17/06/2019 - 14:29

Tài hoa trên vỏ dừa khô 

Dùng vỏ dừa khô đựng bình trà để giữ ấm đã trở thành nét sinh hoạt quen thuộc suốt hàng trăm năm qua của người Nam bộ. Vỏ dừa bóng nhẵn, bình trà nóng hổi, thơm phức là “đặc sản” để người Nam bộ tiếp khách. Với mong muốn giữ gìn nét thơm thảo ấy nhưng vỏ bình bằng trái dừa phải nghệ thuật, công phu hơn, ông Đặng Hồng Điểm (58 tuổi, ở khu vực 6, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) đã làm nên những tác phẩm điêu khắc đầy mê hoặc.

Ông Ba Điểm thể hiện sự tài hoa trên vỏ dừa khô.

Ông Ba Điểm thể hiện sự tài hoa trên vỏ dừa khô.

Nhà của ông Ba Điểm có hẳn một căn phòng riêng, nhỏ gọn để ông làm việc. Căn phòng đầy vỏ dừa, cưa, đục, nước sơn… để ông thỏa sức sáng tạo. Tác phẩm mà ông Ba Điểm đang làm là điêu khắc cặp “song long tranh châu” trên vỏ bình bằng trái dừa khô. Đường nét cặp rồng uốn lượn đầy uy dũng, có thần, dần được tạo tác chỉ bằng mũi dao chạm khắc rau củ dưới bàn tay tài hoa của ông Ba. Ông giới thiệu rằng, ông đã chạm khắc ra không biết bao nhiêu con rồng trên vỏ trái dừa. Điều ông tâm đắc là mỗi con rồng đều có dáng thế khác nhau: con đầu ngẩng lên, con đầu cúi xuống, nét mặt, thế uốn… cũng khác. Có lẽ vậy mà đòi hỏi ông phải tư duy mãi khi bắt tay vào  một sản phẩm mới.

Ông Ba Điểm nhớ lại, hồi năm 1983, khi ấy ông còn là một thanh niên mê mỹ thuật, theo học chạm khắc hoa văn trên vỏ dừa khô của ông thầy Tám Lý ở đường Phạm Ngũ Lão, phường An Hòa, quận Ninh Kiều. Mấy tháng sau thì rành nghề, ông Ba Điểm làm nghề từ đó đến nay. Những năm thịnh hành, ông làm ra vài trăm bình vỏ dừa chạm khắc mỗi năm, nay thì duy trì chừng 100 vỏ bình/năm. Mỗi sản phẩm hoàn chỉnh, ông Ba Điểm bán giá dao động từ 600.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, tùy độ đẹp của trái dừa và độ công phu, tỉ mỉ khi chạm khắc. Toàn bộ sản phẩm ông làm ra đều được một công ty bao tiêu để xuất khẩu sang nước ngoài, bán cho Việt kiều các nước. “Cứ nghĩ chiếc vỏ bình đầy nét cổ xưa của quê hương mình lại có mặt khắp nơi trên thế giới, tôi lại thêm động lực để làm nghề”- ông Ba Điểm chia sẻ.

Có xem ông Ba Điểm làm mới thấy để làm ra một chiếc vỏ bình bằng vỏ dừa thật lắm công phu. Kinh nghiệm đầu tiên mà ông Ba chia sẻ là phải lựa trái dừa khô tròn đều, lớn trái để nơi khô ráo cho dừa lên mộng. Điều này sẽ giúp vỏ dừa cứng, chắc, vừa dễ chạm khắc lại tạo độ bền cho sản phẩm. Vỏ dừa sau khi cắt phần đuôi trái chừng 5 phân để làm nắp đậy thì phần thân sẽ được chạm khắc. Tiếp đến, dùng đục xởi bỏ phần gáo dừa bên trong sao cho vừa vặn với bề hoành bình trà và một bí quyết khác mà ông Ba chia sẻ là nên nhớ giữ lại một phần gáo trong vỏ để vỏ bình khi khô không nứt.

Nhìn vào hình dáng từng trái dừa, ông Ba Điểm sẽ chọn những nội dung chạm khắc phù hợp, tựu chung có các chủ đề như tứ quý (4 mùa trong năm), long phụng hòa minh, song long tranh châu, hoa sen… Ông Ba Điểm sẽ vẽ những nét thảo phác họa đường nét rồi dùng dao khắc đường cơ bản và sau cùng là đi vào phần chi tiết: vảy, mặt rồng; gương sen, nhụy sen; gương mặt người… Nét tài hoa của ông Ba Điểm ở chỗ, vỏ dừa khô là loại vật liệu không cứng lại không mềm, kiểu “bộp xộp” nên sẽ rất khó để thể hiện nét khắc chi tiết. Vậy nhưng, từng nét sâu, nét cạn, nét đậm, nét uốn lượn… trên tác phẩm chạm khắc của ông Ba lại rất chính xác và tinh tế. Vỏ dừa sau khi chạm khắc sẽ được đánh véc-ni, sau đó sơn chi tiết hoa văn và cuối cùng là phủ lớp sơn PU. Bình vỏ dừa làm theo cách này đảm bảo “xài đời đời không hư”- như cách nói của ông.

Ngoài làm vỏ bình giữ ấm bình trà, ông Ba Điểm còn tài hoa khi dùng vỏ dừa khô làm nên các tác phẩm phù điêu thật đẹp. Những tác phẩm đó khi kết hợp với bóng đèn thì sinh động và nghệ thuật hơn rất nhiều. Ngoài ra, ông Ba còn tìm gốc tre, gốc dừa… về để điêu khắc. Ông chọn những đề tài rất hay như hình tượng Thánh Gióng, Đức Thánh Trần… để thể hiện, trưng bày trong gia đình như một dấu ấn tài hoa.

Mỗi chiếc bình, ông Ba Điểm phải mất từ 5-7 ngày mới chạm khắc xong. Mất khá nhiều thời gian, tâm huyết; thu nhập thì không đáng kể nhưng, ông Ba nói rằng sẽ gắn bó với nghề mãi. “Hình ảnh bình tích bỏ trong vỏ dừa khô, sờ ngoài còn âm ấm, nó thân thương với bà con xứ mình lắm. Tôi thấy nghề của mình cũng hay, giữ được nét sinh hoạt hồi trước của ông bà”- dứt lời, ông Ba Điểm cười khà khà rồi lấy bình trà trong vỏ dừa khô rót ly đầy mời khách…

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết