19/04/2012 - 09:17

Sudan và Nam Sudan trên bờ vực chiến tranh vì dầu mỏ

Đúng như những cảnh báo trước đây của dư luận quốc tế, việc Nam Sudan vội vã tách khỏi Sudan để thành lập quốc gia độc lập hồi tháng 7 năm ngoái khi hai bên chưa phân định rõ ràng về đường biên giới và lợi ích dầu mỏ có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh không có hồi kết.

Quân đội Sudan tuyên chiến với Nam Sudan. Ảnh: Warisboring

Một trong những điểm nóng hiện nay của hai nước là thị trấn dầu mỏ Heglig thuộc vùng biên giới đang tranh chấp chủ quyền Abyei. Từ năm 2009, một tòa án trọng tài quốc tế có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) đã công nhận tỉnh Nam Kordofan, nơi có thị trấn dầu mỏ Heglig, là thuộc chủ quyền của Sudan. Phương Tây cũng công nhận Heglig là phần chủ quyền của Khartoum. Thị trấn này đang sản xuất 115.000 thùng dầu mỗi ngày, chiếm 50% trữ lượng dầu và có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế của Sudan. Tuy nhiên, từ hôm 10-4, Quân đội Giải phóng Sudan (SPLA) của Nam Sudan đã mở cuộc tiến công chiếm lại thị trấn Heglig với lý do nhằm ngăn chặn các cuộc pháo kích của quân đội Sudan vào lãnh thổ Nam Sudan. Người phát ngôn của SPLA, Đại tá Philip Aguer, tuyên bố nước này chỉ hành động để tự vệ khi Quân đội Sudan (SAF) đã sử dụng máy bay chiến đấu tấn công vào thị trấn Teshwin của Nam Sudan. Ông cho biết cuộc xung đột bùng phát giữa quân đội hai nước từ ngày đó đến nay làm gần 260 binh sĩ thiệt mạng, trong đó có 240 lính Sudan. Đây là cuộc xung đột đẫm máu nhất kể từ khi Nam Sudan trở thành quốc gia độc lập. Khartoum cáo buộc quân đội Nam Sudan đang nhận được sự hậu thuẫn của các phiến quân khủng bố và lực lượng bên ngoài đánh chiếm Heglig.

Giới phân tích cho rằng hành động chiếm đóng thị trấn dầu mỏ Heglig của Nam Sudan có thể nhằm trả đũa những thủ đoạn mà họ cho là “ăn cắp dầu” của Sudan. Do Nam Sudan vẫn phải phụ thuộc vào hệ thống đường ống dẫn dầu trên lãnh thổ của Sudan, nên việc xuất khẩu dầu đến các nước khác qua Biển Đỏ luôn gặp trục trặc vì vấn đề tranh chấp chi phí. Nam Sudan từ chối trả 32-36 USD cho mỗi thùng dầu xuất khẩu theo yêu cầu của Sudan, khiến chính quyền Khartoum phải tịch thu một số lượng dầu có giá trị tương ứng trên các đường ống dẫn dầu của Nam Sudan để “trừ nợ”. Ngoài ra, Nam Sudan còn cáo buộc chính quyền Khartoum xây dựng một đường ống dẫn dầu đến bang Unity để “lấy trộm” dầu của nước này. Trước tháng 7-2011, hai miền Sudan có trữ lượng dầu mỏ khoảng 5 tỉ thùng và hiện nay, Nam Sudan chiếm giữ khoảng 75% và khai thác 350.000 thùng dầu/ngày.

Từ hôm 11-4, Quốc hội Sudan đã tuyên bố rút khỏi mọi cuộc đàm phán hòa bình với Nam Sudan do Liên minh châu Phi (AU) làm trung gian, đồng thời cho phép chính phủ phát lệnh tổng động viên quân lực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ. Dư luận lo ngại việc hai nước có đường biên giới dài hơn 1.800 km này nghênh chiến với nhau sẽ gây ra thảm họa khó lường. Trước khi ký thỏa thuận hòa bình năm 2005, Nam và Bắc Sudan đã trải qua cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ khiến 2 triệu người chết, phần lớn do nạn đói. Dù giữ được phần lớn trữ lượng dầu mỏ sau khi giành độc lập, nhưng chính phủ Nam Sudan phải phụ thuộc đến 98% nguồn thu từ dầu mỏ nên tương lai của nước này vẫn u ám. Khoảng 1/3 trên tổng số 8,3 triệu người dân Nam Sudan đang cần sự hỗ trợ lương thực của Liên Hiệp Quốc trong năm nay. Việc 500.000 người dân gốc Nam Sudan bị trục xuất khỏi miền Bắc là một phần nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay.

Trong cuộc tranh chấp và xung đột giữa hai miền Sudan, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã cho rằng cả hai bên đều vi phạm thỏa thuận hòa bình, nên yêu cầu hai bên cùng kiềm chế. Trong khi đó, sau thất bại của AU trong tiến trình hòa giải giữa Sudan và Nam Sudan, Ai Cập đã lên tiếng sẵn sàng làm trung gian giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh có nguy cơ dẫn một cuộc chiến tranh tàn khốc này. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy xung đột sẽ sớm chấm dứt.

LÃNH VÂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết