25/01/2017 - 10:05

Sức mạnh chữa lành vết thương mãn tính từ giòi

Nhờ khả năng tiêu hóa mô chết và giúp vết thương mau lành, giòi (hay ấu trùng của một số loài ruồi) đang được nuôi cấy trong điều kiện nghiêm ngặt của phòng thí nghiệm với kỳ vọng mang đến giải pháp mới điều trị hiệu quả vết thương mãn tính và xa hơn nữa là chống lại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Vết thương mãn tính là biến chứng thường gặp ở người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh về mạch máu. Chúng đa phần là khó lành, có thể dẫn đến nhiễm trùng và lở loét khiến bệnh nhân đau đớn. Trong trường hợp nghiêm trọng, vết thương bị hoại tử buộc người bệnh phải phẫu thuật loại bỏ bộ phận bị tổn thương, thậm chí cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng. Tin đáng mừng là các nhà khoa học cho biết, ứng dụng giòi ở cấp độ lâm sàng có thể đảo ngược nguy cơ nói trên. Theo họ, phương pháp này được sử dụng khi mọi liệu pháp chữa lành vết thương đều thất bại, trong đó, lứa ấu trùng mới nở có thể làm cho khu vực lở loét lâu ngày trở nên sạch sẽ và giúp vết thương mau chóng lành lại.

 

 Giòi nuôi trong phòng thí nghiệm có thể điều trị vết thương mãn tính và chống vi khuẩn kháng thuốc. Ảnh: Getty Image, Shutterstock

Lợi ích từ việc sử dụng giòi làm sạch vết thương mưng mủ được biết đến từ nhiều thế kỷ trước. Trong thử nghiệm năm 2009 trên 267 bệnh nhân lở loét chân do suy tĩnh mạch, nhóm nghiên cứu tại Đại học York (Canada) đã chứng minh so với phương pháp làm sạch vết thương tiêu chuẩn bằng hydrogel, giòi giúp làm sạch mô chết và chữa lành vết thương nhanh hơn đáng kể. Về cơ chế chữa thương, các nhà khoa học cho rằng loài giòi cực kỳ "háu ăn" mô chết, tiêu hóa một lượng lớn vi khuẩn và đẩy nhanh tiến độ chữa lành vết thương bằng cách tiết ra chất dịch có chứa các thành phần thúc đẩy sự hình thành mô mới.

Nhìn chung, các nhà khoa học trên thế giới vẫn biết chính xác cách thức mà giòi tác động đến vết thương, nhưng điều mà họ mới khám phá còn đáng kinh ngạc hơn. Giòi không có răng, thay vào đó chúng tiết ra enzyme bao trùm và phân hủy mô chết. Bằng cách di chuyển miệng khắp vết thương khi ăn, chúng dễ dàng ăn hết tế bào chết và làm sạch vết thương chỉ trong 2-3 ngày. Dẫu vậy, khó khăn hiện nay là nhiều bệnh nhân có tâm lý lo sợ sinh vật màu trắng lúc nhúc, vốn sinh sôi trên xác thối hoặc môi trường dơ bẩn, sẽ khiến họ nhiễm trùng thêm. Trong khi trên thực tế, chỉ những con giòi được nuôi trong điều kiện nghiêm ngặt và môi trường vô trùng đặc biệt của phòng thí nghiệm mới được sử dụng để chữa lành vết thương.

Không chỉ ăn mô chết, các dịch tiết của giòi (nước dãi hoặc mồ hôi) còn được phát hiện có khả năng tiêu diệt nhiều chủng vi khuẩn. Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia tại Đại học Swansea (Anh) nhận thấy dịch tiết của giòi có chứa một lượng nhỏ Seraticin – phân tử kháng khuẩn có khả năng chống lại nhiều tác nhân gây bệnh và vi khuẩn sống tự do, kể cả những chủng kháng thuốc kháng sinh. Qua thử nghiệm lâm sàng, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Yamni Nigam dẫn đầu nhận thấy một lượng nhỏ Seraticin của giòi có thể tiêu diệt cả siêu khuẩn chết người MRSA (khuẩn tụ cầu vàng kháng Methicillin). Ngoài ra, chúng còn tiết ra các phân tử ngăn chặn sự hình thành màng sinh học của vi khuẩn – lớp bảo vệ vi khuẩn khỏi sự tấn công của hệ miễn dịch hoặc thuốc kháng sinh, thậm chí hủy hoại lớp màng này nếu đã hình thành.

Với những đặc tính kháng khuẩn hiệu quả, các nhà khoa học kỳ vọng giòi có thể là "chìa khóa" trong cuộc chiến chống lại vi khuẩn kháng thuốc. Tại phòng thí nghiệm của Đại học Swansea, Tiến sĩ Nigam cho biết họ đang nuôi ấu trùng ruồi nhặng xanh Lucilia sericata để thu thập dịch tiết của chúng. Theo đó, hàng trăm con giòi được đặt vào thùng chứa nước vô trùng và để qua đêm, chất lỏng thu được và lọc qua sau đó chính là dịch tiết chứa các phân tử kháng khuẩn. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là chiết xuất dịch tiết, tách các phân tử để xác định thành phần của chúng. Khi đó, họ cho biết sẽ tổng hợp phân tử Seraticin theo cách nhân tạo và kiểm chứng tác dụng của chúng trên những vi khuẩn kháng thuốc mà dịch tiết của giòi đã tiêu diệt được. "Đó là hy vọng mới về một loại kháng sinh mới mà chúng tôi mong tìm thấy từ dịch tiết của giòi" – Tiến sĩ Nigam cho biết. 

ĐƯỜNG THẤT (Theo Reuters, theconversation)

Chia sẻ bài viết