26/04/2014 - 22:23

Sữa mẹ giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm mãn tính

Thời gian bú sữa mẹ có liên quan đến nguy cơ viêm nhiễm mãn tính trong thời thanh niên, cũng là dấu hiệu nguy cơ phát triển các bệnh về tim mạch và trao đổi chất – các nhà khoa học Mỹ cho biết.

Thông thường, hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch gặp trục trặc, nó sẽ "phản ứng thái quá" và chuyển sang tấn công các bộ phận khỏe mạnh, dẫn đến viêm nhiễm mãn tính. Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia đến từ nhiều trường đại học tại Mỹ đã phân tích mẫu máu của gần 7.000 người tuổi từ 24-32, trong đó có 44,8% được nuôi bằng sữa mẹ khi nhỏ. Kết quả cho thấy có sự tương quan lớn giữa thời gian bú sữa mẹ với nồng độ prôtêin phản ứng C (CRP) trong máu. CRP được sản xuất ở gan và xuất hiện trong máu vài giờ sau khi xuất hiện tình trạng viêm nhiễm, nồng độ CRP cao đồng nghĩa nguy cơ bị viêm nhiễm mãn tính cao. Các nhà khoa học nhận thấy so với những người không được bú sữa mẹ, những người được bú mẹ dưới 3 tháng, 3-6 tháng, 6-12 tháng và trên 12 tháng có nồng độ CRP thấp hơn lần lượt là 20,1%, 26,7%, 29,6% và 29,8%. Điều đó có nghĩa thời gian bú sữa mẹ càng dài thì nồng độ CRP càng thấp và nguy cơ viêm nhiễm mãn tính cũng giảm.

Nghiên cứu trước đây cho thấy viêm nhiễm mãn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quị, tiểu đường típ 2, tàn tật và chết yểu. Vì thế, các nhà khoa học khuyến cáo các bà mẹ nên cho con bú ít nhất trong 6 tháng đầu đời.

THUẬN HẢI (Theo Xinhua, AP)

Chia sẻ bài viết