17/05/2025 - 18:13

Mối quan hệ xã hội đa dạng giúp cải thiện sức khỏe khi về già 

Người già thường đối mặt với “đại dịch cô đơn”, vì không có ai đó bên cạnh trò chuyện hay cùng nhau làm việc gì đó hằng ngày. Mới đây, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Innovation in Aging cho thấy việc có mối quan hệ xã hội đa dạng có thể giúp người lớn tuổi cải thiện sức khỏe tổng thể và có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Sử dụng máy trợ thính giúp người lớn tuổi thuận tiện hơn trong giao tiếp và kết bạn ngoài xã hội. Ảnh: Ncoa.org

Nhóm nghiên cứu đã theo dõi 1.500 người lớn tuổi trong một thập kỷ, thông qua việc xem xét kỹ lưỡng những mối quan hệ xã hội mà họ duy trì. Các chuyên gia xác định 3 loại mạng lưới xã hội của những người tham gia - gồm “phong phú” (có sự kết nối rộng rãi và đa dạng với bạn bè, gia đình và người khác trong cộng đồng), “tập trung” (có sự kết nối nhỏ hơn, thường tập trung vào gia đình hoặc một vài người bạn thân) và “hạn chế” (sự tương tác xã hội hạn chế, có lối sống tách biệt). Ngoài ra, họ cũng xem xét cách thức mà mỗi loại mạng lưới xã hội giúp người lớn tuổi hình thành các mối quan hệ xã hội của riêng họ.

Kết quả phân tích cuối cùng cho thấy những người có mạng lưới xã hội “phong phú” tự ghi nhận rằng sức khỏe tinh thần và thể chất của họ tốt hơn đáng kể theo thời gian. Mạng lưới xã hội đó đã cung cấp nhiều nguồn hỗ trợ, sự gắn kết về mặt cảm xúc và tình bạn cho họ. Ngược lại, những người lớn tuổi có mạng lưới xã hội “hạn chế” hoặc “tập trung” phải đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe hơn và có cảm giác hài lòng với cuộc sống thấp hơn.

“Sự cô lập xã hội và cô đơn có thể gây ra những tác động ăn mòn đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Vòng tròn xã hội của người lớn tuổi có thể thu hẹp lại do sức khỏe kém, mất đi người thân, nghèo khó, phân biệt đối xử, rào cản ngôn ngữ hoặc sống ở những cộng đồng nông thôn hoặc không an toàn”, trưởng nhóm nghiên cứu Lissette Piedra giải thích.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế NYU Langone Health (Mỹ) vừa phát hiện sử dụng máy trợ thính là một phương pháp hiệu quả để chống lại tình trạng cô đơn ở người lớn tuổi.

Để đi đến kết luận trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên gần 1.000 người lớn tuổi (gồm cả nam và nữ) bị mất thính lực. Phân nửa số người tham gia được cấp máy trợ thính, tham dự các buổi tư vấn và hướng dẫn cá nhân từ bác sĩ thính học. Khi cần thiết, họ cũng được cung cấp các công cụ hỗ trợ như bộ chuyển đổi kết nối máy trợ thính với tivi. Nhóm còn lại chỉ được tư vấn về cách thúc đẩy lão hóa lành mạnh (như tập thể dục và giao tiếp với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe), nhưng không sử dụng máy trợ thính.

Nhóm nghiên cứu đã đánh giá mức độ cô lập xã hội của những người tham gia bằng cách theo dõi tần suất họ dành thời gian cho người khác, cũng như đánh giá quy mô và sự đa dạng trong mạng lưới xã hội của họ. Đầu nghiên cứu, người tham gia ở cả 2 nhóm đều cảm thấy cô đơn như nhau. Sau 3 năm, nhóm được đeo máy trợ thính đã cải thiện điểm số đánh giá sự cô đơn, trong khi nhóm không đeo thiết bị này lại tệ hơn đôi chút. Nhóm đeo máy trợ thính cũng có thêm nhiều bạn bè hơn nhóm không được đeo thiết bị này.

AN NHIÊN (Theo Neuroscience News, UPI)

Chia sẻ bài viết