17/05/2025 - 19:49

Nghiên cứu phát triển vi khuẩn quang tự dưỡng vô cơ yếm khí giúp giảm phát thải trong canh tác lúa 

(CT) - Ngày 16-5, Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thành phố (Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ) thống nhất thông qua đề tài “Nghiên cứu phát triển vi khuẩn quang tự dưỡng vô cơ yếm khí từ đất canh tác lúa giúp cố định CO2 và giảm phát thải CH4 trên đất lúa tại TP Cần Thơ” (ảnh). Đề tài do PGS. TS. Nguyễn Khởi Nghĩa làm chủ nhiệm; Khoa Khoa học Đất, Trường Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ) là đơn vị chủ trì.

Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, quá trình canh tác nông nghiệp lúa và nông nghiệp góp lần lượt 11% và 60% lượng khí CH4 và N2O bốc thoát toàn cầu do con người tạo ra. Từ thực tế đó, mục tiêu của đề tài nhằm phát triển và ứng dụng vi khuẩn quang tự dưỡng vô cơ yếm khí, lưu huỳnh màu xanh từ đất canh tác lúa giúp cố định CO2 trong khí quyển, giảm phát thải khí CH4 từ ruộng lúa, tăng cố định đạm sinh học giúp gia tăng sinh trưởng và năng suất lúa trên thực tế đồng ruộng tại TP Cần Thơ.

Nội dung nghiên cứu tập trung vào phân lập và tuyển chọn vi khuẩn quang tự dưỡng vô cơ yếm khí, lưu huỳnh màu xanh từ mẫu đất canh tác lúa khu vực ĐBSCL; khảo sát tiềm năng tiêu thụ CO2 và CH4 của các dòng vi khuẩn quang tự dưỡng vô cơ yếm khí, lưu huỳnh màu xanh phân lập ở điều kiện phòng thí nghiệm; khảo sát khả năng cố định đạm sinh học của các dòng vi khuẩn quang tự dưỡng vô cơ yếm khí, lưu huỳnh màu xanh phân lập ở điều kiện phòng thí nghiệm; đánh giá ảnh hưởng của vi khuẩn quang tự dưỡng vô cơ yếm khí, lưu huỳnh màu xanh tuyển chọn lên sinh trưởng, năng suất lúa, giảm bốc thoát CH4 và CO2, trên nền đất phù sa canh tác lúa ở điều kiện nhà lưới qua 1 vụ thí nghiệm; đánh giá hiệu quả của hai dòng vi khuẩn quang tự dưỡng vô cơ yếm khí, lưu huỳnh màu xanh tuyển chọn lên sinh trưởng, năng suất lúa, khả năng làm giảm bốc thoát khí CO2 và CH4 trên nền đất phù sa canh tác lúa ở điều kiện ngoài đồng tại TP Cần Thơ…

Dự kiến sản phẩm khoa học công nghệ chính của đề tài gồm: 2 dòng vi khuẩn thuần; 1 mô hình thực tế đồng ruộng; 1 quy trình ứng dụng vi khuẩn quang tự dưỡng vô cơ yếm khí, lưu huỳnh mùa xanh giúp cố định CO2 trong khí quyển, giảm phát thải khí CH4 từ ruộng lúa, tăng cố định đạm sinh học giúp gia tăng sinh trưởng và năng suất lúa trên thực tế đồng ruộng tại TP Cần Thơ.

Tin, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết