12/09/2009 - 10:26

“Người đua diều” (The Kite Runner)

Sự dũng cảm, hèn nhát và tinh thần phục thiện của con người

Quyển tiểu thuyết “The Kite Runner” của nhà văn Khaled Hosseini từng đứng đầu nhiều tuần liền trên tạp chí NewYork Times. Từ cốt truyện của sách thông qua thân phận của hai con người nói về đất nước Afghanistan xa xôi bí ẩn - một đất nước trải qua nhiều chiến tranh và đau khổ đã làm nên sự hấp dẫn của bộ phim. Phim mang về một đề cử Oscar và doanh thu 73 triệu USD là phần thưởng quý giá cho một đề tài mới lạ đầy tính nhân văn.
Phim chiếu trên HBO 14 giờ thứ bảy 12 - 9; 16 giờ 10 phút Chủ nhật 13-9.

Bối cảnh câu chuyện diễn ra tại Kabul năm 1978. Hai cậu bé Amir (Zekeria Ebrahimi) và Hassan (Ahmad Khan), lớn lên cùng nhau nhưng có hai cuộc đời và hai số phận khác nhau. Amir là con của một gia đình thượng lưu Afghanistan thuộc tộc người Pashtun còn Hassan là con người quản gia trong gia đình Amir người gốc Hazara. Tuy thân phận là chủ tớ, nhưng Amir và Hassan chơi thân như đôi bạn bè chí cốt. Hassan luôn nhường nhịn và tỏ lòng trung thành với Amir, còn Amir thì chia sẻ những gì mình có với Hassan. Đôi bạn nhỏ tung tăng như những cánh diều mà cả hai cùng thả, những khi có kẻ ức hiếp thì Hassan luôn đứng ra để bảo vệ cho bạn. Lòng tốt và sự trung thành của Hassan cao đến độ nó sẵn sàng nhường lại vinh quang trong cuộc thi diều toàn thành phố cho Amir và chấp nhận bị đánh đập nhừ tử chỉ để bảo vệ cánh diều chiến lợi phẩm của cuộc thi cho bạn. Đối ngược với tính cách ấy, Amir với tính nhu nhược đã không dám làm bất cứ gì khi chứng kiến bạn bị hành hạ. Chính vì cảm thấy sự hèn nhát của bản thân nên Amir tìm cách đuổi cha con Hassan ra khỏi nhà như cách để khỏi phải đối mặt với lỗi lầm.

Chiến tranh nổ ra, quân đội Liên Xô tiến vào Kabul. Cha con Amir tìm đường đến Mỹ. Tại đây, Amir (Khalid Abdalla) lớn lên và trở thành một nhà văn. Nhưng rồi tất cả những ám ảnh năm xưa bỗng ào ào trở về trong tâm trí chàng trai khi một người thân của anh yêu cầu anh về Pakistan gặp mặt. Những câu chuyện anh được nghe kể lại càng khiến anh thêm ân hận. Khi quân Taliban chiếm được Kabul, thì người giữ nhà cho cha con anh lại chính là Hassan. Vẫn như khi xưa, Hassan thà hy sinh mạng sống để bảo vệ tài sản cho chủ, để lại đứa con thơ bị Taliban bắt đi. Thêm một sự thật đau lòng hơn được hé lộ: Hassan chính là người em cùng cha khác mẹ của Amir, mà vì danh vọng cùng uy tín đã khiến cha anh không dám nhìn nhận. Tất cả cảm xúc ân hận dồn nén khiến anh có một quyết định chuộc lỗi dù muộn màng nhưng đầy dũng cảm: đó là quay về Afghanistan để tìm lại đứa cháu ruột của mình. Trên đường về Amir được chứng kiến cảnh quê hương điêu tàn vì chiến tranh, và vì cả bọn người cuồng tín. Luật Saria hà khắc được áp dụng khắp nơi, thậm chí những cánh diều vô tội cũng không còn được phép bay trên bầu trời, còn bản thân Amir dù tìm được tông tích đứa cháu nhưng cũng đang gặp nguy hiểm vì anh là công dân Mỹ. Làm thế nào Amir có thể tìm lại cháu mình và đưa nó thoát ra khỏi địa ngục trần gian ấy...?

Phim đặc biệt không phô diễn cảnh chiến tranh, hiếm hoi một vài cảnh bạo lực, nhưng vẫn giúp khán giả hình dung đầy đủ về sự tàn khốc của chiến tranh cũng như thấy được đất nước Afghanistan tan nát vì chiến tranh, vì sự hà khắc dưới chế độ Taliban.

Điểm mạnh của “Người đua diều” chính là câu chuyện đầy tính nhân văn được trình bày dưới góc nhìn của những nhà làm phim thông qua những thủ pháp mô tả và dành cho khán giả quyền nhận xét. Lời thoại trong phim súc tích và ý nghĩa.

Ahmad Khan trong vai Hassan đã thể hiện rất tốt vai diễn làm nổi bật vẻ đẹp của tình bạn và lòng trung thành. Khán giả dễ mủi lòng khi nhìn cảnh Hassan chân đi khập khiễng, máu nhỏ theo từng bước chân mà tay vẫn cầm chắc chiếc diều mang về cho Amir. Phim khắc họa được sự tương phản của hèn nhát và dũng cảm và cả sự phục thiện trong mỗi con người.

“Người đua diều” cũng có một số phận khá trắc trở như số phận các nhân vật của nó: Khi được sản xuất phim không được chiếu trên quê hương của nó vì đề cập đến vấn đề sắc tộc giữa người Pashtun và người Hazara, một vấn đề là vết thương nhức nhối tại quốc gia này. Quá trình làm phim đoàn quay phim cũng không thể quay được tại Kabul vì lý do an toàn, mà phải dựng cảnh tại vùng Tây Tạng, Trung Quốc.

Tuy nhiên, phim vẫn thu hút công chúng khi công chiếu và thuyết phục được các nhà phê bình phim.

Thụy Thảo

Chia sẻ bài viết