03/04/2010 - 19:32

Bác sĩ Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ:

Sốt xuất huyết ở trẻ diễn biến phức tạp

 

Những ngày gần đây, bệnh nhi mắc sốt xuất huyết (SXH) nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ có dấu hiệu gia tăng. Đáng lo ngại hơn, nhiều bệnh nhi nhập viện đã vào giai đoạn nặng, một số trường hợp tổn thương đa cơ quan... phải chuyển thẳng đến Khoa Hồi sức Cấp cứu của bệnh viện. Xoay quanh vấn đề này, bác sĩ Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết:

- Khoảng 3 tuần nay, số bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đang có dấu hiệu gia tăng. Nhiều năm trở lại đây, SXH tăng giảm thất thường, không theo mùa như trước đây. Điều đáng lo ngại là thời gian gần đây, tình trạng số ca mắc được đưa đến khoa khi bệnh trạng đã diễn biến nhanh, phức tạp, xảy ra tổn thương đa cơ quan. Bên cạnh, số bệnh nhi chuyển nặng phải được chăm sóc đặc biệt tại khoa cũng nhiều hơn: mỗi ngày có từ 2 đến 4 bệnh nhi, tăng gấp đôi so với trước.

* Những bệnh nhi được đưa đến Khoa Hồi sức Cấp cứu trong tình trạng như thế nào, diễn biến phức tạp ra sao, thưa bác sĩ?

- Thông thường, một bệnh nhân SXH có thể bị sốc (tay chân lạnh, mạch nhanh, trụy tim mạch, hôn mê...) vào ngày thứ 4 trở đi, diễn tiến bệnh cũng có quá trình và bác sĩ có thể tiên lượng để xử lý hiệu quả. Phần lớn bệnh nhi ít gặp các biến chứng nguy hiểm, khỏi bệnh và xuất viện sau 6-7 ngày điều trị. Khoảng 3 tuần nay, nhiều bệnh nhi được đưa đến khoa khi bệnh tình đã chuyển nặng, vào sốc kèm theo các biến chứng, tổn thương đa cơ quan như: xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, suy gan, suy thận, phù nề... Có bệnh nhi đang ở tình trạng độ II vừa chuyển sang độ III đã vào sốc ngay, mất hẳn tim mạch. Có bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, phải truyền đến 10 đơn vị máu. Có bệnh nhi mắc SXH thể não (thể bệnh nguy hiểm, dễ để lại biến chứng thần kinh) kèm bệnh béo phì đã bị suy gan, suy thận. Bệnh viện phải chuyển bệnh nhi lên tuyến trên để điều trị.

Nếu như trước đây tỷ lệ bệnh nhi tái sốc nhiều lần chỉ khoảng 20-25% trong tổng số bệnh nhi bị sốc, thì nay tỷ lệ tái sốc nhiều lần lên đến 50%. Nhiều bệnh nhi được gia đình đưa đến bệnh viện rất muộn, đã vào ngày thứ 4-5, đã vào sốc nên phải đưa thẳng đến khoa cấp cứu.

* Xin bác sĩ cho biết, đối tượng nào khi mắc SXH dễ có nguy cơ diễn tiến nặng?

- Ghi nhận đợt này cho thấy, bệnh viện tiếp nhận những bệnh nhi chuyển nặng, tổn thương đa cơ quan rơi vào nhóm bệnh nhi béo phì, bụ bẫm, nhiều bệnh nhi ở độ tuổi học cấp 2, bệnh nhi được đưa đến bệnh viện muộn... Điều này không có gì đặc biệt so với trước đây, nhưng việc diễn tiến bệnh rất nhanh, phức tạp, bệnh nhi vào sốc sâu, tái sốc nhiều lần là vấn đề chúng tôi đang băn khoăn. Chúng tôi chưa xác định được là do yếu tố cơ địa hay độc lực của virus hay do yếu tố nào khác. Một điểm đáng lưu ý là nhiều bệnh nhi được người nhà đưa đến muộn là do biểu hiện của SXH tương tự một số bệnh khác như viêm họng, sốt phát ban, cúm... Ở bệnh SXH, phần lớn bệnh nhi chỉ sốt cao, không kèm theo các triệu chứng khác (ho, sổ mũi... ) nên người nhà dễ chủ quan, tự mua thuốc uống tại nhà. Triệu chứng sốt do SXH sẽ giảm dần sau 3 ngày nên người nhà nghĩ rằng con hết bệnh, nhưng chính giai đoạn này bệnh mới nguy hiểm. Bệnh nhi có thể vào sốc với dấu hiệu mệt mỏi, lừ đừ, tay chân lạnh, mạch nhanh... sau đó trụy tim mạch, hôn mê. Bệnh nhi dễ tử vong trong giai đoạn này nếu không được tiên lượng trước để xử lý đúng, kịp thời.

* Bác sĩ có thể cho biết dấu hiệu để phân biệt giữa sốt do SXH với sốt do viêm đường hô hấp hay sởi?

- SXH, viêm đường hô hấp, sởi, cúm... đều do siêu vi trùng (virus) gây nên. Biểu hiện chung là sốt cao, có hoặc không phát ban (xuất hiện những nốt đỏ trên da). Tuy nhiên, bệnh nhi SXH sốt rất cao, khó hạ sốt và thường không kèm theo các triệu chứng khác như ho, sổ mũi... Những chấm ban do SXH xuất hiện là do tổn thương, xuất huyết dưới da. Có thể dùng 2 ngón tay ấn lên vùng da ngay chấm ban nếu thấy chấm ban vẫn còn thì đó là ban của bệnh SXH. Chấm hồng ban do các bệnh khác thì lặn mất trong lúc ta ấn tay lên vùng da này. SXH có thể kèm theo đau bụng vùng hạ sườn phải do gan bị to ra. Để nhận biết dấu hiệu này ở trẻ, ta có thể nhấn tay lên vùng hạ sườn phải (chú ý không nên ấn quá mạnh để tránh làm tổn thương trẻ), trẻ bị đau hơn và sẽ khóc.

SXH sẽ được chẩn đoán khá chính xác nhờ xét nghiệm máu. Tuy nhiên, kết quả chỉ đúng đối với bệnh nhân mắc bệnh ở ngày thứ 3 trở đi. Vì vậy, các bậc phụ huynh cũng không nên yêu cầu xét nghiệm máu để xem con em mình có bị mắc SXH hay không khi trẻ chỉ mới sốt ở ngày thứ 1 hay ngày thứ 2. Và càng không nên dựa vào kết quả xét nghiệm lúc đầu mà chủ quan trong điều trị.

* Vậy khi nào nên đưa trẻ đến bệnh viện, thưa bác sĩ?

- Khó có thể có lời khuyên chung vì mỗi loại bệnh đều có quá trình, diễn tiến, nguyên nhân đều khác nhau. Có bệnh diễn tiến nhanh, có bệnh diễn tiến chậm. Chưa kể là mỗi phụ huynh cũng có trình độ kiến thức khác nhau, có người có kiến thức, biết cách chăm sóc thì trẻ mắc SXH ở độ I hay II cũng có thể được chăm sóc tại nhà. Nhưng ở phụ huynh không hiểu về bệnh, không biết cách chăm sóc thì cách tốt nhất là nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt khi trẻ có dấu hiệu bệnh.

Điều cần đặc biệt lưu ý là khi trẻ bị sốt thì nên hạ sốt bằng Paractamol. Paractamol dùng cho trẻ có 2 dạng: bột uống và viên nhét hậu môn. Tuyệt đối không nên dùng Aspirin và Ibufrofen. Vì thuốc này có thể làm cho tình trạng xuất huyết nặng thêm nếu trẻ mắc bệnh SXH. Trẻ sốt cao phải được hạ sốt ngay để tránh co giật và nên cho trẻ uống nhiều nước, hạn chế vận động. Trẻ mắc SXH vận động nhiều có thể làm bệnh nặng thêm. Trẻ sốt vào ngày thứ 3 trở đi thì phải đưa đến bệnh viện.

Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, hiện nay, mỗi ngày, Khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận hơn 5 bệnh nhi mắc SXH, tăng 2 trường hợp so với con số bình quân tháng trước. Số bệnh nhi SXH điều trị nội trú mỗi ngày dao động từ 10 đến 20 bệnh, trong đó, có khoảng 10% đến 15% bệnh nhi vào sốc. Tỷ lệ tái sốc nhiều lần lên đến 50% trong tổng số bệnh nhi tái sốc, tăng gấp đôi so với trước đây.

Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ cũng cho thấy, số ca mắc SXH trong tuần 12 năm 2010 (từ ngày 19-3 đến ngày 25-3) tăng 13 ca so với tuần 11.

* Trước những diễn biến phức tạp của bệnh SXH, khoa đã có hoạt động gì để điều trị hiệu quả những bệnh nhi nặng, thưa bác sĩ?

- Điều đáng mừng là mặc dù tình trạng bệnh của nhiều bệnh nhi có diễn tiến phức tạp, nguy hiểm nhưng đều được điều trị khỏi bệnh. Đầu năm 2010 đến nay bệnh viện chỉ chuyển viện 1 bệnh nhi SXH thể não kèm bệnh béo phì và đã xảy ra tình trạng suy gan, suy thận. Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ giữ nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhi ở các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL. Những bệnh nhi được chuyển đến từ các tỉnh lân cận thường trong tình trạng nặng. Y, bác sĩ luôn trong tinh thần “cảnh giác” với diễn tiến của bệnh. Bác sĩ tiên lượng trước tình trạng sốc có thể xảy ra để xử lý kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, bệnh viện đã có họp rút kinh nghiệm từng ca bệnh cụ thể, tập huấn phác đồ điều trị hiệu quả, chuyển giao kỹ thuật mới đã được ứng dụng hiệu quả... cho y bác sĩ tại bệnh viện, các bệnh viện tuyến dưới và một số bệnh viện ở các tỉnh lân cận.

Cũng xin thông tin thêm, Hội VMA và Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đang xúc tiến Chương trình sốt xuất huyết của Hội VMA - Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Theo đó, Hội VMA sẽ hỗ trợ bệnh viện trong hoạt động tập huấn nâng cao năng lực điều trị SXH, mua sắm một số máy móc hiện đại phục vụ chuẩn đoán, điều trị bệnh SXH, đồng thời, Hội sẽ cử chuyên gia đến bệnh viện để chuyển giao một số kỹ thuật cao trong điều trị...

* Xin cảm ơn bác sĩ!

SONG KIM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết