13/08/2013 - 09:19

Sống khỏe nhờ ươm cây giống

Dài theo Quốc lộ 91, đoạn thuộc khu vực Tân Phước, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, khách đi đường ai cũng thích mắt với màu xanh mượt mà của những vỉ cây con giống. Những vỉ cây giống nầy chiếm đoạn đường dài khoảng vài cây số, trước sân nhà, tràn vô hông nhà, kể cả những vạt đất trống nằm sát bờ kinh chạy cặp quốc lộ. Cái màu xanh ấy cho thấy sự sung túc của một xóm nghề. Cứ tưởng đông lắm nhưng thật ra chỉ có bốn nhà làm nghề này.

Ông Nguyễn Phú Sang (Ba Sang, 54 tuổi), chủ một “trang trại” cây con giống, ngồi bên những vỉ cây giống mới ươm trong một buổi chiều có vẻ thảnh thơi, trong khi một số người khác trong gia đình đang tất bật việc chăm sóc, tưới tắm những vỉ rau cải giống lên xanh. Ba Sang cho biết làm nghề này đã 32 năm.

Ông Ba Sang ngồi trước nhà bên những vỉ cây giống.

Thuở ban đầu, khi còn nhỏ, Ba Sang sống chung cha mẹ, cùng chăm sóc mảnh ruộng gia đình. Gặp rồi trái tim 20 của Ba Sang xao xuyến trước cô gái Bùi Thị Thạnh. Được cha mẹ đồng ý tổ chức hôn lễ, Ba Sang rước cô dâu Thạnh ở Lai Vung (Đồng Tháp), bên kia sông Hậu về nhà. Cưới xong, vợ chồng Ba Sang ra riêng với hai bàn tay trắng và một cái nghề của vợ đem theo. Đó là nghề ươm cây con giống truyền thống gia đình nhạc phụ ông. Vậy là Ba Sang bắt tay vào cái nghề “không giống ai”, không ai làm ở đất địa Tân Phước này. Thuở ban sơ, rau cải giống của Ba Sang ương ra chẳng ai mua, dù tốt và đẹp y khuôn bên nhà vợ, phải nhờ mối lái nhạc gia do cô gái Lai Vung Bùi Thị Thạnh tiếp mới đưa ra thị trường được. Tiếng lành đồn xa, từ đó ông Ba Sang ngày một mở rộng diện tích ương rau cải giống của gia đình mình. Đến nay, ngoài diện tích đất sản xuất trước sân nhà, bên bờ kinh cạnh Quốc lộ 91, bên hông nhà, ông còn mướn thêm đất của một vài nhà có công ăn việc làm khác để mở rộng mặt bằng sản xuất... Mấy hộ sản xuất cây con giống cũng mướn đất các nhà lân cận vì vậy họ đã tạo thành “quần thể” xóm ươm cây con giống tạo thành “vẻ đẹp bên đường” phục vụ khách bộ hành ngắm một màu xanh mướt mắt.

Ông Nguyễn Phú Cường (Tư Cường, 52 tuổi), em ruột ông Ba Sang, thuở xa đó cũng chẳng có nghề ngỗng gì ngoài việc phụ cha mẹ làm ruộng. Thấy anh chị mình làm “có ăn” nên ngỏ ý nhờ, chị dâu vui vẻ truyền nghề cho ông. Vô nghề khi Tết Nguyên đán sắp đến, Tư Cường ương cải “tùa xại” (cải làm dưa) - loại cải được người ta mua về làm dưa chua ăn kèm các thức ăn khác trong dịp trọng đại này. Bấy giờ, toàn bộ các công đoạn đều do tự tay ông và cả nhà “nhào” vô làm. Thấy cải bày bên lề đường có màu xanh mướt, không sâu bịnh, khách bộ hành ưa thích ghé mua. Tư Cường kiếm bộn bạc. Ngon trớn, ông tiếp tục phát triển bằng việc ương các loại rau cải giống khác, như: cải các loại, cà tím, ớt, cà chua..., và làm “theo đơn đặt hàng” của những khách quen gần xa. Từ đó xóm rau cải giống phát triển thêm 4 hộ nữa.

Để hoàn thành một vỉ rau cải giống, các hộ sản xuất phải qua các khâu: Mua hột giống; mua trúc ở Trà Uối (Thốt Nốt) về chẻ làm ghim cho bầu; mua đất bãi (đất sông) phơi khô, đập nhuyễn, trộn tro trấu mua ở các lò gạch. Cứ 1 bao tro trấu thì trộn nửa thúng giê đất bãi. Sau đó là việc của công nhân. Công nhân tự mua lá chuối, xé nhỏ vừa cỡ làm bầu, cho đất và tro trấu vô bầu, vô hột, sắp lên vỉ, chồng lại, ủ cho có độ ẩm. Khi hột giống nứt mầm, tải ra bãi, phủ lưới cước. Sáng tưới. Ba ngày sau đã có 2 lá mầm lớn. Ngày thứ ba tỉa chọn mỗi bầu còn 1 cây, bầu nào không có thì ghim cây dư vào, gọi là giặm tuyển. Sau đó rắc tro trấu đã được rửa trôi mặn, quét sơ cho bằng mặt bầu nhằm làm ấm gốc, gốc không bị xói và nhất là đất không bị khô khiến cây giống chết. Ngày thứ 5 bón phân urê và phân tiêu đen (DAP). Cách ngày tưới 1 lần. Mười ngày sau khi ương, xịt trừ sâu 1 lần duy nhất. 17-18 ngày sau là rau cải giống thành phẩm, khách hàng tới lấy. Riêng cà và ớt giống phải tới 1 tháng sau mới bán được.

Rau cải giống, tháng 10 vô vụ cải Tết, tháng 2 lai rai, các tháng 3-4-5-6-7 sản xuất nhiều nhờ mưa và có ít sâu bọ. Nghề này khi khởi phát khá vất vả nhiều khâu, mất nhiều thời gian trong việc làm bầu, chống chọi mưa nắng. Nắng gắt hoặc mưa nhiều cũng đều khiến rau cải giống chết, uổng phí bao công đoạn cũng như tiền bạc đổ vào. Về sau nhờ mua lưới cước che đậy vừa hạn chế sâu bọ, khi tưới xịt bằng máy bơm không “động” nhiều đến rau cải giống còn non, lại đỡ khiêng ra khiêng vô nhọc nhằn những khi mưa gió, lại giảm bớt nhiệt độ gay gắt của ánh nắng mặt trời...

Ngoài người nhà chung tay làm, các hộ sản xuất rau cải giống còn mướn thêm nhân công những khi việc ùn đọng, khoảng 150.000 đồng/ngày/người. Các nhân công này phải có chút ít tay nghề, làm các công đoạn: làm bầu, vô đất phân, vô hột, chất bầu lên vỉ...  Đặc biệt trẻ em và thiếu nữ với bàn tay nhỏ nhắn rất khéo léo trong việc rắc hột giống, nhất là trong khâu giặm tuyển (nhổ bỏ những mầm cây không đạt tiêu chuẩn). Việc tưới nước, tưới phân, thuốc trừ sâu gia đình đảm trách. Mùa nắng, ngày tưới 2-3 lần. Mùa mưa tưới 1 lần bằng máy bơm nên không vất vả như khi tưới bằng vòi sen. Ương rau cải giống đòi hỏi có kỹ thuật, nhưng khó nhất là gieo hạt phải theo thời tiết.

Cứ tưởng rau cải giống chỉ bán quanh quẩn ở những xã lân cận phường Thuận Hưng. Nhưng không, các nơi trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đặt hàng không kịp làm. Cứ “a lô” một tiếng, trong tương lai sẽ có đủ số lượng và hàng như họ yêu cầu. Ba Sang cho biết cải làm dưa từ gieo hột tới bán 20 ngày, 40.000đồng/vỉ; ớt 25 ngày, 150.000đồng/vỉ. Một vỉ có 600 cây giống. Từ việc ươm rau cải giống, ông Ba Sang tiến thêm bước nữa: ươm bông giống hồi trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Hột giống bông mua từ Đà Lạt, gồm: vạn thọ, cúc đại đóa, cúc tiger, cúc mâm xôi, cúc Nhật, cúc Đài Loan,... Vạn thọ 120.000đồng/vỉ, cúc 200.000đồng/vỉ... Thu nhập bình quân của ông Ba Sang khoảng 14-15 triệu đồng/tháng, trừ mọi chi phí. Nhờ vậy mà từ tay trắng, vợ chồng ông Ba Sang cần mẫn làm ăn, con trai mới tốt nghiệp y sĩ, con gái lập gia đình ở gần làm tiếp cha mẹ ương cây con giống, còn mua 10 công đất ruộng sau nhà nên cuộc sống khỏe re.

Bài, ảnh: CÚC TẦN

 

Chia sẻ bài viết