03/07/2011 - 09:25

Sống chậm nhưng không chậm !

Cuộc sống thường nhật của vợ chồng Kim Young-jun luôn tất bật, hết chuyện ở công ty, đến việc nhà và nuôi dạy cặp song sinh 6 tuổi. Tuy nhiên, với họ, khoảnh khắc cả nhà cùng quây quần trong vườn rau do chính tay họ vun trồng mới là đáng quý nhất (ảnh). Giống như ngày càng nhiều gia đình ở Hàn Quốc, cả nhà anh Kim, 46 tuổi, đang chuyển sang sống chậm - phong trào hướng tới đơn giản hóa cuộc sống vốn xuất hiện trên thế giới từ giữa thập niên 1980.

“Chúng tôi ra đây mỗi ngày bởi bọn trẻ rất thích thú khi nhìn thấy rau cải chúng tôi trồng ngày càng xanh tốt. Cùng cả nhà ra thăm vườn rau một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong ngày của tôi”, Hwang Won-hee, bà xã của anh Kim, bộc bạch. Vườn rau của họ là một phần của dự án nông trại đô thị do quận Gangdong khởi xướng. Hiện nay, địa phương nằm ở phía Đông Thủ đô Seoul đang quản lý 3 trang trại với tổng diện tích gần 5.000 m2. Chính quyền Gangdong cho thuê đất theo thửa rộng 16 m2 với giá 50.000 won (970.000 đồng)/năm. Mỗi khoảnh đất như vậy đủ để trồng rau cho gia đình 4 thành viên. Người thuê đất được cấp hạt giống, phân bón cùng với nông cụ.

Việc lập vườn rau và ăn những loại rau do chính tay mình trồng là một cách sống chậm rất tốt, theo Kim Jong-duk – giáo sư Đại học Kyungnam và là tác giả của quyển “Slow Food, Slow Life” (Thức ăn chậm, Lối sống chậm). “Việc trồng và thu hoạch rau sạch sẽ giúp dạy con trẻ tầm quan trọng của cuộc sống cũng như tạo cho chúng cơ hội để nhận biết cuộc sống bắt nguồn từ đất. Thay vì dắt díu ra ngoài dùng thức ăn nhanh, việc nấu ăn tại nhà mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng hơn”, giáo sư Kim cho biết.

Phong trào sống chậm (Slow Movement) khởi nguồn tại Ý với khái niệm “thức ăn chậm” do nhà báo Carlo Petrini đề xuất nhằm phản đối việc mở chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald ở Rome năm 1986. Petrini kêu gọi mọi người nói không với thức ăn nhanh (fast food) thay vào đó hãy bảo tồn phong cách ẩm thực truyền thống và vùng miền, đồng thời cổ vũ việc nhà nhà trồng trọt và chăn nuôi theo hướng xanh sạch.

Không giống như tên gọi, phong trào sống chậm nhanh chóng thu hút sự hưởng ứng của dân chúng và lan rộng ra khắp thế giới từ năm 1989. Hiện nay, phong trào này thu hút xấp xỉ 100.000 thành viên ở 132 quốc gia và vùng lãnh thổ và trở thành kiểu mẫu cho những phong trào sống chậm khác liên quan đến các lĩnh vực như du lịch, giáo dục, quản lý và lãnh đạo.

Khái niệm sống chậm phổ biến tại Hàn Quốc từ năm 2007 khi Changpyeong ở tỉnh Nam Jeolla trở thành thành phố đầu tiên ở châu Á được phong trào sống chậm Cittaslow ở Ý bầu chọn là đô thị sống chậm. Là cư dân ở Changpyeong, Choi Geum-ok cũng theo trường phái sống chậm. Người phụ nữ 52 tuổi này quan niệm trồng rau tại nhà là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của lối sống chậm. Choi chỉ dùng thực phẩm do chính tay chị nuôi trồng cũng như tự tay may quần áo và nhuộm vải bằng nguyên liệu tự nhiên.

Các chuyên gia cho rằng sống chậm không có nghĩa chúng ta di chuyển và hoạt động chậm lại mà có nghĩa là chúng ta kiểm soát được nhịp sống của mình. “Chúng ta nhiều lúc không cảm nhận giá trị của thời gian. Chúng ta cho rằng cuộc sống thật ngắn ngủi và thế là chúng ta cần phải nhanh tay nhanh chân để mọi việc được đâu vào đấy. Nhưng thực tế cuộc sống không ngắn như chúng ta tưởng. Vấn đề là chúng ta không biết cách sử dụng thời gian của mình một cách thông minh mà thôi”, “cha đẻ” của phong trào sống chậm Carlos Petrini từng nói.

Vậy làm thế nào để khởi đầu cuộc sống chậm? Giáo sư Tsuji Shinichi ở Đại học Meiji Gakuin (Nhật Bản), vốn nổi tiếng là “tín đồ” lâu năm của phong trào sống chậm tại châu Á, khuyên chúng ta hãy bắt đầu bằng cách đi bộ chậm. Điều này không có nghĩa bạn phải “cai” xe hơi hay phương tiện công cộng mà thay vào đó bạn có thể thưởng thức cuộc sống chậm bằng cách thường xuyên bách bộ đến bất kỳ nơi đâu bạn muốn đặt chân tới. “Đi bộ sẽ mang lại sự yên bình và thoải mái cho cuộc sống tất bật của bạn”, giáo sư Shinichi khuyên.

CHÂU MAI
(Theo JoongAng Daily, Wikipedia)

CHÂU MAI (Theo JoongAng Daily, Wikipedia)

Chia sẻ bài viết