03/08/2024 - 08:37

Số người già bị bỏ rơi ngày càng tăng ở Malaysia 

Thay vì được chăm sóc tại nhà, ngày càng nhiều người già ở Malaysia bị chính gia đình mình bỏ rơi tại các trung tâm chăm sóc, bệnh viện công vì nhiều lý do.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến nhiều người già Malaysia bị bỏ rơi.

Điển hình như trường hợp của ông Kumar, một bệnh nhân đột quỵ 70 tuổi đã không gặp mặt hoặc nghe tin tức gì từ gia đình suốt 5 tháng qua, tính từ lúc được đưa vào Trung tâm chăm sóc Lotus Ville ở thành phố Johor Bahru hồi tháng 3. Gia đình ông, gồm vợ và 2 con, chỉ trả được khoản phí chăm sóc hằng tháng trị giá 2.000RM (khoảng 10,8 triệu đồng) cho ông trong 2 tháng đầu, rồi bặt tin đến nay.

“Vợ và các con tôi đã lên kế hoạch đưa tôi vào viện dưỡng lão vì họ không muốn đích thân chăm sóc tôi”, ông Kumar buồn bã nói, tin rằng gia đình không còn có thể chịu được gánh nặng chăm sóc ông. Kumar từng làm tài xế xe buýt, nhưng sau cơn đột quỵ cách đây 5 năm, ông phải phụ thuộc vào gia đình trong việc ăn uống và vệ sinh cá nhân. Những nỗ lực gọi điện cho gia đình đều vô ích vì họ đã đổi số điện thoại. Dù vậy, ông vẫn nuôi hy vọng gặp lại họ.

Đáng buồn là những trường hợp như ông Kumar đang trở nên phổ biến hơn ở Malaysia. Hiệp hội điều hành cơ sở chăm sóc người cao tuổi Malaysia (Agecope) xác định các trường hợp bỏ rơi người già là những trường hợp mà gia đình không đến thăm và ngừng trả phí chăm sóc hằng tháng. Nhóm dân số lớn tuổi ở Malaysia chiếm 7,4% trong tổng số 33,7 triệu dân của nước này, tương đương 2,5 triệu người từ 65 tuổi trở lên. Con số này dự kiến ​​tăng lên 4,5 triệu người vào năm 2030.

Hầu hết các viện dưỡng lão ở Malaysia cho biết họ thường xóa các khoản phí chưa thanh toán cho người cao tuổi bị bỏ rơi vì lòng nhân ái. Ông Santok Singh, chủ sở hữu Trung tâm Chăm sóc Golden Peacock ở Penang, từng chứng kiến ​​2 trường hợp bị gia đình bỏ rơi trong 5 năm qua và cho biết những người già bị bỏ rơi vì gia đình khó khăn về tài chính. Ông Singh dẫn chứng trường hợp của một bệnh nhân ung thư 60 tuổi, được gia đình đưa đến trung tâm và đóng khoản phí chăm sóc hằng tháng 1.900RM được 2 tháng rồi mất liên lạc. Bệnh nhân này ở đây được 7 tháng rồi qua đời. Singh sau đó đã cố liên lạc với gia đình để họ đến nhận thi thể về làm tang lễ. Nhưng gia đình lại không đủ khả năng chi trả các khoản phí phát sinh.

Không chỉ tại các cơ sở chăm sóc tư nhân, mà các bệnh viện công cũng gặp phải các trường hợp gia đình bỏ rơi người thân lớn tuổi. Đơn cử, số lượng bệnh nhân bị bỏ rơi tại Bệnh viện Kuala Lumpur (HKL) đã tăng 50% trong 3 năm, từ 239 trường hợp vào năm 2020 lên 358 trường hợp năm 2023. Còn trong 5 tháng đầu năm 2024, HKL tiếp nhận 166 trường hợp bị bỏ rơi. Theo Trưởng phòng Công tác xã hội HKL Zulhan Ambi, khoảng 50% các trường hợp liên quan đến bệnh nhân trên 60 tuổi và phần lớn không có người thân. 

Để xử lý tình trạng nói trên, chính phủ Malaysia hiện cấp 500RM/tháng cho những người trên 60 tuổi theo chương trình hỗ trợ người cao tuổi, nhằm giúp những trường hợp không có thu nhập hoặc có gia đình nhưng không thể hỗ trợ họ. Chính phủ cũng cấp 500RM/tháng cho các gia đình đang chăm sóc người cao tuổi tàn tật hoặc ốm đau.

Theo Agecope, chính phủ điều hành 11 nhà phúc lợi tại Malaysia để phụng dưỡng miễn phí khoảng 2.000 người cao tuổi, trong khi ước tính có khoảng 2.000 cơ sở chăm sóc người cao tuổi tư nhân tại Malaysia. Chủ tịch Agecope - ông Delren Terrence Douglas - cho biết Malaysia có đến 25.000 người cao tuổi đang cần được chăm sóc tại các viện dưỡng lão. Nhưng phần lớn trong số 25.000 người này thuộc nhóm có thu nhập thấp, vốn thường được đưa vào viện dưỡng lão tư nhân và sau đó bị bỏ rơi vì gia đình không có khả năng trả chi phí.

NGUYỆT CÁT (Theo Straits Times)

Chia sẻ bài viết