15/06/2011 - 22:08

SCO lâm vào thế khó

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), diễn ra tại Thủ đô Astana của Kazakhstan trong hai ngày 15 và 16-6, có ý nghĩa rất quan trọng bởi các nước thành viên (gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan) sẽ xem xét kết nạp 3 quan sát viên là Ấn Độ, Pakistan và Mông Cổ làm thành viên mới.

Tuy nhiên, chủ đề chính của hội nghị lần này là thảo luận tình hình an ninh và tương lai Afghanistan thời hậu “duy trì hòa bình” của Mỹ và quân đồng minh. Vì vậy Kabul với tư cách là khách mời đặc biệt coi đây là cơ hội quý báu để thúc giục SCO gây áp lực buộc Pakistan tích cực hợp tác giúp Afghanistan ổn định an ninh. Pakistan lại là đồng minh chủ chốt của Trung Quốc, nên với tư cách là nhà sáng lập và giữ vai trò trọng yếu trong SCO, Bắc Kinh tất phải có nghĩa vụ gây sức ép lên Islamabad như Mỹ đã và đang làm đối với Pakistan.

Ngoài Afghanistan, Ấn Độ từ khi trở thành quan sát viên của SCO năm 2005 đã coi đây là một diễn đàn quan trọng để kêu gọi Pakistan triệt phá các tổ chức khủng bố có tư tưởng chống New Delhi. Cho nên người ta lo ngại nếu Ấn Độ và Pakistan cùng là thành viên thì SCO có nguy cơ lâm vào tình thế bất đồng nội bộ sâu sắc và khó thống nhất mục tiêu chung. Bản thân Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang hục hặc chuyện tranh chấp biên giới và đây sẽ là một rào cản cho sự hợp tác trong SCO.

SCO ra đời và chuẩn bị mở cửa cho các nước thành viên mới từng được ví von là “NATO phương Đông”, có khả năng làm đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ chi phối. Đây cũng là nơi được kỳ vọng có thể giúp thúc đẩy hợp tác không chỉ chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, buôn lậu ma túy và vũ khí, mà còn tạo lòng tin phát triển mạng lưới mua bán và vận chuyển dầu khí từ khu vực Trung Á giàu tài nguyên thiên nhiên. Nhưng những mâu thuẫn ngày càng có dấu hiệu phức tạp hơn trong nội bộ SCO (sau khi được mở rộng) khiến dư luận khu vực không khỏi nghi ngờ vào tương lai của tổ chức này.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết