06/10/2019 - 10:48

Sao cho “Chuông Vàng” ngân mãi? 

Chương trình “Chuông vàng vọng cổ” vừa tìm được “Chuông Vàng” thứ 14 sau vòng thi chung kết nhiều tai tiếng. Vốn là một cuộc thi danh giá, góp phần tìm kiếm nhiều tài năng cho sân khấu cải lương, nhưng nay “Chuông vàng vọng cổ” khiến nhiều người khó hiểu và thất vọng.

Trong 3 thí sinh dự thi đêm chung kết xếp hạng, khán giả dù không biết gì về cổ nhạc cũng có thể đoán ai đoạt “Chuông Vàng”. Và quả như vậy, Quách Thị Diễm Ngọc là thí sinh xứng đáng nhất trong đêm thi này. Bởi lẽ, ngoài Diễm Ngọc ca diễn khá nhất thì hai thí sinh còn lại khá bình thường. Nhất là nữ thí sinh đoạt hạng Ba, diễn trích đoạn cải lương mà gương mặt đơ, không cảm xúc, nói thoại gượng gạo, phát âm chưa tròn vành rõ chữ. Nói như NSƯT, đạo diễn Hoa Hạ, giám khảo cuộc thi, cô nàng dù diễn ở phân đoạn nào, diễn tiến cảm xúc ra sao thì gương mặt vẫn một màu, một vẻ. Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng từ khoảng 300 thí sinh tham gia “Chuông vàng vọng cổ” năm nay, đã không có thí sinh nào thật sự hay để tranh tài trong đêm chung kết xếp hạng mà phải gượng ép như vậy?

Nói điều này để trở lại “sóng gió” của cuộc thi khi kết thúc đêm thi chung kết 3 và việc nữ thí sinh Huyền Trâm bị loại. Huyền Trâm có giọng đẹp, ca theo lối không khoe kỹ thuật mà nương theo cảm xúc. Những đoạn cô luyến láy, nức nở rất hay. Nét diễn của cô cũng không một màu mà có thể bi, hài, chính kịch… Huyền Trâm bị chấm rớt vì… “sắc vóc hạn chế” (cô có gương mặt đẹp, nhưng hơi thừa cân).

Kết quả này khiến cả trong giới cổ nhạc lẫn khán giả đều “dậy sóng”. Nghệ sĩ Trung Dân đã đăng đàn trên facebook trình bày bức xúc hơn 15 phút về vấn đề này. Theo ông, ông bức xúc nhất vẫn là việc từ những phút đầu của đêm chung kết 3, giám khảo đã “rào đoán” đại khái rằng: Tiêu chí chấm thi là ngoài giọng ca, nét diễn, còn có sắc vóc. Vậy nên ai sắc vóc hạn chế thì cũng là thiệt thòi. Quả như vậy thật, dù Huyền Trâm có một đêm thi rất tốt nhưng đã bị loại. Nghệ sĩ Trung Dân bức xúc nêu dẫn chứng, những cô đào cải lương, thoại kịch lừng lẫy một thời như NSND Ngọc Giàu, nghệ sĩ Kim Ngọc… dù “sắc vóc hạn chế” nhưng có ai chê họ đâu. Cái đẹp của nghệ sĩ là đẹp cho nhân vật chứ không phải đẹp ngoài đời. “Một mẫu nhân vật trên sân khấu đòi hỏi phải xấu, phải dị dạng mà nghệ sĩ cứ trang điểm cho đẹp, hào nhoáng thì liệu có phải là đẹp?”, ông nói. Ví dụ của nghệ sĩ Trung Dân khiến người ta nhớ đến NSND Ngọc Giàu vai Cô Bảy Cán Vá trong “Đời cô Lựu”, mà những ai đã xem qua đều khó lòng quên được.

Huyền Trâm (trái) bị loại sau đêm chung kết 3. Ảnh: baovanhoa.vn

Thẳng thắn mà nói, một trong những điểm chưa thành công của cuộc thi năm nay còn ở giám khảo. Có thể họ là NSND, nghệ sĩ giỏi nghề nhưng chưa hẳn là một giám khảo giỏi. Với “Chuông vàng vọng cổ”, thí sinh ngoài ca hay phải diễn được trích đoạn cải lương - nghĩa là phải nuôi cảm xúc, ca trong diễn, diễn trong ca. Vậy mà giám khảo chỉ chăm chăm giọng ca phải cao vút, bắn giọng, ca chồng cao để khoe làn hơi… Điều này tạo sự ngộ nhận trong thí sinh là phải “bắn giọng” bằng mọi cách mà bất kể sở trường, cột hơi mình tới đâu. Với những cách làm mới của thí sinh khi ca Phụng hoàng, vô vọng cổ… giám khảo đều cho rằng không phù hợp theo ý rất chủ quan. Và nếu cứ đòi khoe hơi, bắn giọng “tới mây xanh” thì có lẽ, cải lương đã không có những cô đào “thương hoài không hết” như cố nghệ sĩ Thanh Nga, cố nghệ sĩ Út Bạch Lan, nghệ sĩ Mỹ Châu… Họ diễn và ca hoàn toàn nương theo cảm xúc nhân vật.

Cứ kiểu nhập nhằng như thế này thì “Chuông Vàng” bước ra từ cuộc thi liệu có đủ sức ngân mãi? Thiết nghĩ, cuộc thi phải rạch ròi trong tiêu chí chấm: tìm giọng ca màu sắc hay kỹ thuật ca, ca sáng tạo hay ca khuôn mẫu… Một khi đã giải quyết những tiêu chí này rồi mà cuộc thi vẫn có vấn đề thì điều cần thay đổi có lẽ là ban giám khảo!

Ðăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết