Báo Dawn của Pakistan ngày 2-8 cho rằng Kabul có vẻ không hài lòng, nếu không nói là hết ảo tưởng, trong việc phối hợp với Mỹ và Pakistan thúc đẩy hòa bình và tái hòa hợp các nhóm xung đột tại Afghanistan.
Nhóm nòng cốt, gồm Afghanistan, Pakistan và Mỹ, được thành lập nhằm vạch ra lộ trình hòa bình giữa chính quyền Kabul và phiến quân Taliban. Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp báo hôm 2-8 sau hai ngày làm việc tại Islamabad với người đồng cấp Pakistan Salman Bashir và Đặc phái viên Mỹ về Nam Á Marc Grossman, Thứ trưởng Ngoại giao Afghanistan Jawid Lodin nói: “Tôi mang thông điệp khẩn cấp tới Nhóm nòng cốt khi tình hình ở Afghanistan đòi hỏi phải đạt thành quả về hợp tác”. Ông Ludin ám chỉ rằng hoạt động của Nhóm nòng cốt có thể đã bị cản trở bởi lợi ích riêng của mỗi thành viên trong nhóm, cụ thể là Mỹ và Pakistan.
Cuộc họp đầu tiên của Nhóm nòng cốt diễn ra một ngày sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt trong một hoạt động đơn phương của Mỹ trên đất Pakistan hôm 2-5, khiến cho quan hệ Washington Islamabad rạn nứt. Bang giao giữa hai nước này chưa được hàn gắn kể từ thời điểm đó đến nay, thậm chí còn chia rẽ nghiêm trọng hơn do Mỹ cắt 800 triệu USD viện trợ cho Pakistan.
Trong khi đó, cả phía Mỹ và Pakistan đều khẳng định họ đang gạt bỏ những vấn đề song phương ra khỏi diễn đàn ba bên, mà bằng chứng là ông Grossman đã có một số cuộc tiếp xúc bên lề với phía Pakistan. Ông Grossman kêu gọi Pakistan ủng hộ những nỗ lực tái hòa hợp ở Afghanistan khi các lực lượng nước ngoài chuẩn bị rút lui sau 10 năm tham chiến và nhấn mạnh vai trò của Islamabad là không ai có thể thay thế được. Còn Thứ trưởng Ngoại giao Pakistan Bashir thì nói rằng nước này đang thể hiện thái độ xây dựng trong mối quan hệ với Mỹ và xem tiến trình ba bên này là “con đường can dự quan trọng” giúp Afghanistan đạt được hòa bình.
Tuy nhiên, với ông Lodin, tiến trình ba bên cần phải có kết quả rõ ràng chứ không phải những tuyên bố suông, vì Afghanistan đang “dầu sôi lửa bỏng” trong bối cảnh liên quân do NATO cầm đầu bắt đầu chuyển giao trách nhiệm kiểm soát an ninh cho chính quyền sở tại.
Dù các quan chức ngoại giao dùng “những lời có cánh” nhưng dường như không che đậy được thực tế là hục hặc trong quan hệ Mỹ-Pakistan đã làm giảm hiệu quả hoạt động của Nhóm nòng cốt. Trong trường hợp này, cái riêng đang lấn át và làm hại cái chung.
N. MINH (Theo Dawn, CNN, Reuters)