26/11/2023 - 11:17

Quỹ phúc lợi - “Ý Đảng, lòng Dân” ở ấp Thầy Ký 

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

Vừa vào địa bàn ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, chúng tôi đã nghe thanh âm rộn ràng của máy cắt sắt, máy dầm… trên cầu Số 1. Ðây là một trong những công trình ấp thực hiện nhằm chào mừng 20 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Cầu được làm từ Quỹ phúc lợi của ấp - nguồn quỹ đã góp phần thay đổi diện mạo của Thầy Ký trong hơn 20 năm qua.

Đại diện Chi bộ, Ban Nhân dân, Ban CTMT và Tổ quản lý Quỹ phúc lợi Thầy Ký kiểm tra công trình Cầu số 1.

Đại diện Chi bộ, Ban Nhân dân, Ban CTMT và Tổ quản lý Quỹ phúc lợi Thầy Ký kiểm tra công trình Cầu số 1.

Cầu Số 1 đưa vào sử dụng, người dân sống ở hai bên kênh Thầy Ký sẽ đi lại thuận lợi hơn. Gần 2 tháng qua, nhiều người phấn chấn khi dầm cầu mới được nâng lên hơn 1m. Trước đây, gầm cầu thấp nên ghe lúa không vào được, nông dân trong ấp phải chịu bán lúa với giá thấp, mỗi vụ lúa mất hơn 150 triệu đồng. Giờ đây, ghe lúa từ sông Cái Sắn có thể vào sát cánh đồng để thu mua lúa.

Trong những ngày làm cầu Số 1, Chi bộ, Ban Nhân dân, Ban Công tác Mặt trận (CTMT) ấp và các thành viên trong Tổ quản lý Quỹ phúc lợi ấp Thầy Ký thường xuyên đến kiểm tra tiến độ, chất lượng công trình… Ðồng thời rút kinh nghiệm và bàn kế hoạch để chuẩn bị làm cầu Số 2 (cách cầu Số 1 khoảng 1km). Nếu cầu Số 2 hoàn thành thì toàn bộ cầu trên kênh Thầy Ký đã được nâng cấp, làm mới... Ông Nguyễn Văn Hòa, Tổ trưởng Tổ quản lý Quỹ phúc lợi, cho biết: “Mỗi khi cần xây dựng công trình ở địa phương, Chi bộ, Ban Nhân dân ấp, Ban CTMT, các đoàn thể ấp và tổ quản lý Quỹ phúc lợi họp thống nhất ý kiến. Sau đó, triển khai làm ngay vì người dân đều đồng thuận”.

Cầu Nhà Thờ bắc qua kênh Thầy Ký dài 32m, rộng 4,5m. Lúc trước, mặt cầu hẹp, ô tô không thể qua lại; gầm cầu thấp, ghe lớn không thể đi vào trong ấp. Năm 2021, Chi bộ, Ban Nhân dân, Ban CTMT và các đoàn thể họp dân thống nhất xây dựng lại Cầu Nhà Thờ với số tiền 545 triệu đồng từ Quỹ phúc lợi. Người dân trong ấp còn đóng 260 ngày công lao động để làm Cầu Nhà Thờ. Gần 2 năm qua, Cầu Nhà Thờ là huyết mạch giao thông nối 2 bờ kênh Thầy Ký. Cầu đẹp, đi lại thuận lợi, người dân rất phấn khởi, tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền ấp và Tổ quản lý Quỹ phúc lợi. Ông Hoàng Văn Hành (ở ấp Thầy Ký) kể: “Hồi đó, nhà ai có đám cưới, cả gia đình đi bộ một đoạn xa để lên xe đi rước dâu, đưa dâu. Giờ ô tô đến tận cửa rước cô dâu, chú rể. Bà con chở hàng hóa đi lại trên đường, trên kênh rất thuận lợi. Quỹ phúc lợi đã giúp thay đổi bộ mặt quê hương Thầy Ký”.

Quỹ phúc lợi ra đời cách nay 22 năm, trên tinh thần tự nguyện của người dân ấp Thầy Ký. Hằng năm, người dân thống nhất đóng góp 50.000 đồng/công đất trồng lúa. Sau mỗi vụ lúa hè thu, tổ trưởng 13 tổ tự quản của ấp đại diện người dân cho người nuôi vịt thuê đất để chăn thả. Sau đó, các tổ trưởng mang tiền đến đóng quỹ. Số tiền còn lại thì gởi đến các hộ dân. Mỗi năm, người dân đóng góp quỹ hơn 180 triệu đồng. Bà con trong ấp bầu ra Tổ quản lý Quỹ phúc lợi gồm 16 thành viên là cán bộ, người dân có uy tín trong ấp. Mỗi khi cần làm các công trình, Tổ quản lý Quỹ phúc lợi sẽ xin ý kiến của Chi bộ, Ban Nhân dân ấp và người dân trước khi thực hiện. Trong 22 năm qua, Quỹ phúc lợi đã góp phần xây dựng, sửa chữa nhiều cầu, đường giao thông; làm bờ kè, cột cờ, gắn đèn chiếu sáng… Hiện nay, Quỹ phúc lợi có trên 200 triệu đồng. Theo ông Mai Thanh Bình, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thầy Ký, người dân trong ấp đều đồng thuận khi triển khai các công trình. Tùy theo giá trị công trình, Quỹ sẽ hỗ trợ nhiều hay ít. Bên cạnh đó, Chi bộ, Ban Nhân dân ấp, Ban CTMT còn vận động thêm từ người dân, các nhà hảo tâm… để thực hiện các công trình. Ðồng thời luôn công khai để người dân được rõ.

Nhiều năm qua, nhân dân ấp Thầy Ký đoàn kết, đồng lòng xây dựng khu dân cư phát triển văn minh, hiện đại, đặc biệt là phát huy truyền thống hiếu học. Hiện nay, ấp có 215 người có trình độ trung cấp, cao đẳng đại học; 15 người là thạc sĩ, tiến sĩ. Tỷ lệ trẻ em đủ tuổi đến trường của ấp đạt 100% và không có học sinh bỏ học. Nhiều gia đình ở ấp là tấm gương sáng trong phong trào “Khuyến học, khuyến tài” như gia đình ông Trương Văn Bảo, 66 tuổi. Ông Bảo có 7 người con đều học xong đại học. Ông Trương Văn Bảo chia sẻ: “Bên cạnh nỗ lực của vợ chồng tôi, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên động viên, hỗ trợ chúng tôi vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi con ăn học. Bây giờ, tôi ở nhà chăm cháu và tham gia các hoạt động làm cầu, đường ở địa phương”.

Ấp Thầy Ký có 100% người dân theo đạo Công giáo. Chi bộ, Ban Nhân dân, Ban CTMT ấp luôn gắn kết, phối hợp chặt chẽ với các linh mục, Hội Bác ái… tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống người dân; xây dựng các mô hình tuyến đường, khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; giữ gìn an ninh trật tự, vận động thanh niên thực hiện nghĩa vụ Quân sự… Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Trung ương MTTQVN phát động. Ðồng thời trở thành ấp dẫn đầu trong các phong trào thi đua, người dân có mức sống cao hơn so với mặt bằng chung ở thị trấn Thạnh An.

Trong 20 năm qua, ấp Thầy Ký là một trong những điểm sáng trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đặc biệt là trong xây dựng khối đoàn kết lương giáo. Trong đó, sáng kiến xây dựng Quỹ phúc lợi duy trì và phát huy hiệu quả nhiều năm qua vừa thể hiện “ý Ðảng, lòng Dân”, vừa là minh chứng sinh động về khối đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng xây dựng quê hương giàu đẹp - văn minh - nghĩa tình…

Chia sẻ bài viết