18/11/2010 - 08:58

Quan hệ Nga - Mỹ còn nhiều trắc trở

Cái chau mày, nhíu mặt của cả hai Tổng thống Barack Obama (trái) và Dmitry Medvedev như thể hiện quan hệ ấm lạnh bất thường của Mỹ và Nga. Ảnh: AFP

Việc nhà buôn bán vũ khí người Nga Viktor Bout bị dẫn độ từ Thái Lan sang Mỹ và việc các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược giai đoạn 2 (START II) đang khiến cho mối quan hệ Nga-Mỹ, vừa mới được “khởi động lại”, trở nên căng thẳng.

Bộ Ngoại giao Nga đã phản đối mạnh mẽ việc “Lái buôn thần chết” Viktor Bout bị dẫn độ từ Thái Lan sang Mỹ hôm 16-11. Cựu sĩ quan không lực Xô-viết 43 tuổi này bị bắt ở Bangkok tháng 3-2008 trong một chiến dịch do đặc vụ Mỹ thực hiện. Bout bị Washington cáo buộc cung cấp vũ khí để kích động các cuộc nội chiến ở châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông từ thập niên 1990. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Bout là một thương nhân vô tội, và rằng việc dẫn độ nêu trên mang động cơ chính trị, một hành động có thể làm tổn hại mối quan hệ Nga-Mỹ và đẩy lùi những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Obama trong việc cải thiện quan hệ với Nga.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua “trấn an” Mát-xcơ-va rằng vụ việc sẽ không ảnh hưởng tới chủ trương hai năm qua của Mỹ là “khởi động lại” quan hệ với Nga. Tuy nhiên, động thái trên diễn ra vào thời điểm Tổng thống Obama chuẩn bị có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cuối tuần này để bàn về nhiều vấn đề có liên quan tới mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Nga. Cuộc gặp này đang bị phủ bóng đen bởi sự hoài nghi của Mát-xcơ-va về khả năng Tổng thống Obama khó có thể thuyết phục được Thượng viện Mỹ phê chuẩn START mới. Sự hoài nghi ấy càng gia tăng khi các nhân vật lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ hôm 16-11 tuyên bố không ủng hộ một cuộc bỏ phiếu nhanh về START mới với Nga, và đề nghị lùi việc này sang năm tới.

Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đang giục Thượng viện thông qua START mới trong phiên họp sau cùng trước khi Quốc hội bắt đầu nửa nhiệm kỳ còn lại vốn đã thay đổi về cục diện quyền lực theo hướng bất lợi hơn cho các chính sách của ông Obama và phái Dân chủ. Sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vừa qua, đảng Dân chủ đã để mất quyền kiểm soát Hạ viện về tay đảng Cộng hòa, trong khi thế đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện hiện cũng hết sức mong manh. Khi cơ cấu Quốc hội mới đi vào hoạt động, nhằm đảm bảo có đủ 67 phiếu cần thiết (2/3 trong số 100 ghế Thượng viện) để thông qua START mới, ông Obama phải có thêm sự ủng hộ của ít nhất 14 nghị viên đảng Cộng hòa. Điều này xem ra là vô cùng khó đối với ông Obama. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Kyl cho rằng phiên họp cuối của nửa nhiệm kỳ đầu không phải thời điểm để xem xét một vấn đề phức tạp như START. Nhiều Thượng nghị sĩ Cộng hòa khác, trong đó có thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell cũng tuyên bố sẽ ủng hộ tuyên bố của ông Kyl.

N. MINH
(Theo Reuters, LA Times, Telegraph)

Cái chau mày, nhíu mặt của cả hai Tổng thống Barack Obama (trái) và Dmitry Medvedev như thể hiện quan hệ ấm lạnh bất thưO

Chia sẻ bài viết