26/07/2025 - 21:56

Trái đất “vỡ ngân sách” tài nguyên 

Chỉ mới hơn nửa đầu năm 2025, nhân loại đã chạm đến Ngày Trái Ðất Vượt Quá Giới Hạn (Earth Overshoot Day) khi tốc độ tiêu thụ tài nguyên vượt xa khả năng tái tạo của hành tinh.


Mỗi tuần không ăn thịt một ngày sẽ giúp lùi ngày Trái đất “quá tải” thêm 2 ngày. Ảnh: Getty Images

Ngày Trái đất Vượt Quá Giới Hạn là khái niệm chỉ mốc thời gian mà con người theo ước tính đã sử dụng hết hết toàn bộ "ngân sách" tài nguyên sinh học mà tự nhiên có thể tái tạo trong năm.

Năm nay, sau khi kết hợp dữ liệu và đưa ra những giả định hợp lý để đánh giá tình hình tài nguyên, tổ chức phát triển bền vững quốc tế Global Footprint Network cho biết cột mốc này rơi vào ngày 24-7, sớm hơn một tuần so với năm ngoái do các đại dương hấp thụ ít khí carbon dioxide (CO2) hơn trước đây.

Về mặt lý thuyết, điều này có nghĩa thế giới đang sống dựa vào các "khoản nợ sinh thái" trong suốt thời gian còn lại của năm bằng cách vắt kiệt nguồn tài nguyên địa phương. Theo thời gian, các nhà khoa học cảnh báo "lãi suất" mà nhân loại đang trả cho khoản nợ đó ngày càng tăng và nó được biểu hiện qua tình trạng thiếu lương thực, xói mòn đất, sự tích tụ CO₂ trong khí quyển đi kèm với những tổn thất to lớn về người và tiền bạc.

Vấn đề toàn cầu

Tuy chỉ mang tính ước lượng, nhưng ngày Trái đất "quá tải" cho thấy nhu cầu của con người lớn hơn nhiều so với khả năng đáp ứng của hành tinh. Ðây là vấn đề toàn cầu, đặc biệt khi xét tới cách các quốc gia đang khai thác nguồn tài nguyên nhanh hơn khả năng tái tạo của thiên nhiên.

Ðược biết, các nhà khoa học ngoài ước lượng chung còn tính toán "điểm tới hạn" của hành tinh nếu mọi người trên Trái đất đều sống ở mức tiêu dùng tương đương với cư dân ở một nước cụ thể. Theo khái niệm này, Qatar, Luxembourg và Singapore là những quốc gia đầu tiên chạm ngưỡng "vượt hạn ngạch" vào tháng 2. Ðức, Ba Lan, Trung Quốc và Tây Ban Nha lần lượt chạm hạn ngạch vào tháng 5; trong khi Nam Phi vào đầu tháng 7. Tình hình tiêu thụ tài nguyên ở Mỹ cũng không kém cạnh. Nếu tất cả mọi người trên hành tinh tiêu thụ như người dân xứ cờ hoa, ngân sách tài nguyên Trái đất sẽ vượt ngưỡng trong tháng 3.

Theo Mathis Wackernagel, đồng sáng lập tổ chức Global Footprint Network, đa phần quốc gia thu nhập cao hoặc điều kiện tự nhiên khắc nghiệt thường có mức tiêu thụ tài nguyên lớn hơn. Ðơn cử như Qatar, do có khí hậu sa mạc, lượng mưa hàng năm thấp và mùa hè nóng ẩm nên nước này phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống điều hòa chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Quốc gia vùng Vịnh cũng tốn rất nhiều tài nguyên cho quá trình khử muối nước biển. Ngược lại là Uruguay, nước này đã chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo từ công trình thủy điện, gió, nhiên liệu sinh khối và hiện ngưỡng tiêu thụ quá mức của quốc gia Nam Mỹ ước tính kéo dài tới tháng 12.

Liệu nhân loại có thể sống cân bằng với Trái Đất?

Theo tổ chức tư vấn quốc tế Club of Rome, đã đến lúc con người cần xét lại cách hiểu về kinh tế và có điều chỉnh hợp lý để giảm tình trạng tiêu dùng quá mức. Trong đó, vấn đề không phải là chúng ta cần từ bỏ điều gì mà là thay đổi từ tư duy khai thác sang tư duy tái tạo nhằm chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

Trước mắt, để lùi ngày Trái đất vượt ngưỡng, Global Footprint Network cho biết ngành năng lượng là yếu tố có tác động lớn nhất. Theo đó, việc định giá khí thải carbon được dự đoán giúp lùi cột mốc này thêm 63 ngày. Bên cạnh đó, tập trung phát triển các thành phố thông minh với hệ thống giao thông tích hợp, quản lý năng lượng tiên tiến và khả năng dự đoán thông qua cảm biến để điều chỉnh năng lượng trong các tòa nhà có thể kéo dài thêm 29 ngày nữa.

Ngoài ra, thay thế các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí đốt bằng các nguồn năng lượng tái tạo từ Mặt trời và gió có thể cộng cho Trái đất thêm 26 ngày. Các hoạt động hằng ngày như giảm một nửa lượng rác thải thực phẩm sẽ góp thêm 13 ngày, thay thế 50% lượng thịt tiêu thụ toàn cầu bằng các lựa chọn nguồn gốc thực vật cũng giúp hành tinh tiết kiệm thêm 7 ngày nữa.

MAI QUYÊN (Theo DW, footprintnetwork)

Chia sẻ bài viết