28/07/2025 - 08:59

Ông Trump đưa châu Âu xích lại gần nhau hơn? 

Hàng loạt chính sách của Tổng thống Donald Trump đã gây ra nhiều phản ứng bất bình của các nước trên thế giới, kể cả các đồng minh quan trọng của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU) và buộc họ phải đoàn kết vượt qua thách thức từ Washington.

Chủ tịch EU der Leyen trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Trump hồi tháng 1-2020. Ảnh: AP

Vì lý do trên, Thời báo New York đúc kết rằng chính tuyên bố "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của Tổng thống Trump dường như đang mang lại "tác dụng phụ", đó là đưa các nước châu Âu xích lại gần nhau hơn.

Từ tồi tệ đến tin tưởng

Vào đầu nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump, EU rơi vào tình trạng tồi tệ. Theo đó, niềm tin của công chúng vào khối này ở mức thấp kỷ lục; Anh bỏ phiếu rời khỏi EU; nền kinh tế châu Âu chật vật phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vốn gây ra một loạt cuộc khủng hoảng nợ trên khắp lục địa già. Song, mọi thứ sau đó bắt đầu cải thiện. Đặc biệt, trong những tháng gần đây, niềm tin của công chúng vào EU được cải thiện hơn nữa. Cụ thể, xếp hạng tín nhiệm tiến gần đến mức cao nhất trong vòng 2 thập niên qua.

Tuy EU vẫn tồn tại nhiều vấn đề thực tế, chẳng hạn như dân số đang già đi, tăng trưởng kinh tế vẫn chậm chạp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hứng chịu chỉ trích dữ đội khi cố gắng cải tổ ngân sách của khối, nhưng sự ủng hộ dành cho EU đang dần chuyển biến một cách tích cực, kể cả ở các quốc gia thành viên như Đan Mạch, vốn từ lâu còn hoài nghi về chính sách ngân sách và biên giới của EU. "Sự ủng hộ đối với EU chưa bao giờ cao đến thế" - Marie Bjerre, Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Đan Mạch, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Một cuộc khảo sát dư luận gần đây do EC thực hiện cho thấy, khoảng 74% người dân Đan Mạch cho biết họ tin tưởng EU, tăng mạnh so với mức 63% cách đây 5 năm. Không riêng ở Đan Mạch, người dân trên khắp các quốc gia thành viên cũng cảm thấy tin tưởng hơn vào EU.

Sở dĩ EU "gặt hái" được nhiều niềm tin từ công chúng là bởi nhiều hành động mà khối này đưa ra. Đơn cử, trong giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19, EU đã đảm bảo nguồn cung ứng vaccine. "Chiến dịch quân sự đặc biệt" do Nga phát động tại Ukraine cũng giúp EU nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng.

Tuy nhiên, chính lập trường gần đây của Mỹ đối với các đồng minh châu Âu lâu năm đã khiến các quốc gia thành viên EU "biểu tình". "Chúng tôi luôn muốn có mối quan hệ bền chặt với Mỹ nhưng chúng tôi giờ đây phải đối mặt với mức thuế quan vô lý, thậm chí còn bị cáo buộc không phải là đồng minh tốt. Đó là lý do vì sao chúng tôi đang hướng về EU" - bà Bjerre giải thích.

Nhiều nỗ lực thúc đẩy liên kết

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1, ông Trump đe dọa sáp nhập đảo Greenland, vùng lãnh thổ bán tự trị của Đan Mạch. Nhà lãnh đạo xứ cờ hoa còn áp mức thuế quan cao hơn đối với hàng hóa châu Âu. Mới đây, ông dọa sẽ áp mức thuế mới lên tới 30% mà giới chức châu Âu cảnh báo sẽ gây trở ngại cho thương mại xuyên Đại Tây Dương. Chưa kể, ông chủ Nhà Trắng cũng yêu cầu châu Âu phải tự chi trả nhiều hơn cho quốc phòng và ám chỉ rằng Washington sẽ không hỗ trợ các quốc gia mà ông cảm thấy không đóng góp đủ cho an ninh của chính họ. Tất cả những điều này đã đẩy châu Âu xa ra Mỹ và xích lại gần nhau hơn.

Do đó, các quốc gia thành viên EU đang cố gắng nhanh chóng tăng cường chi tiêu quân sự. Dẫu vậy, nhiều nước trong số này phải chật vật tìm nguồn ngân sách quốc gia eo hẹp để tăng cường mua sắm máy bay không người lái và lựu pháo. Trong bối cảnh đó, Brussels đã vào cuộc. Theo đó, EU hồi tháng 3 công bố kế hoạch cho vay mua sắm chung trị giá 150 tỉ euro, qua đó các quốc gia thành viên có thể sử dụng khoản vay được Brussels hỗ trợ để tăng cường năng lực quân sự. Đáng chú ý, EC còn đứng ra đàm phán các thỏa thuận thương mại cho tất cả 27 quốc gia thành viên.

Các quốc gia riêng lẻ trong EU cũng trở nên thân thiết hơn. Trong khi Pháp và Đức tăng cường hợp tác, Anh, quốc gia chính thức rời EU hồi năm 2020, cũng đã thúc đẩy việc tham gia vào kế hoạch mua sắm quốc phòng chung của khối.

Nhiều nước thành viên EU cũng "quay xe" với Mỹ, chẳng hạn như Ý. Lâu nay, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni không ngừng chỉ trích EU và bà được kỳ vọng sẽ là đồng minh của ông Trump. Tuy nhiên, khi đến thăm Nhà Trắng hồi tháng 4, bà Meloni đã thể hiện quan điểm mà nhiều người coi là ủng hộ châu Âu, gồm phản ứng của bà trước lời đe dọa áp thuế 30% đối với châu Âu của ông Trump. "Châu Âu có sức mạnh kinh tế và tài chính để khẳng định vị thế của mình và đảm bảo một thỏa thuận công bằng và hợp lý. Ý sẽ làm phần việc của mình" - bà Meloni viết trên mạng xã hội mới đây.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết