13/06/2023 - 20:05

Quan điểm trái chiều ở châu Á về ảnh hưởng của Mỹ - Trung Quốc 

Cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến hầu hết người dân châu Á lo ngại, nhưng thái độ này còn tùy thuộc vào mức độ thiện cảm của các nước đối với mỗi siêu cường.

Quân nhân Singapore sau một cuộc tập trận với Trung Quốc.

 

Kết luận trên được rút ra sau cuộc khảo sát của Tổ chức nghiên cứu và tư vấn về các rủi ro chính trị toàn cầu Eurasia Group (EGF) đối với trên 1.500 người trưởng thành ở Singapore, Hàn Quốc và Philippines. Ðây là những quốc gia có quan hệ mật thiết về lịch sử, kinh tế, ngoại giao với cả Mỹ lẫn Trung Quốc và đang bị kẹt trong cuộc cạnh tranh giữa 2 cường quốc.

Công bố ngày 12-6, báo cáo của EGF ghi nhận thái độ bất an của các nước đối với căng thẳng Mỹ - Trung vượt hơn cả mối quan tâm về đại dịch, bất ổn chính trị và tình hình nhân quyền. Theo đó, có hơn 90% người tham gia lo ngại Mỹ - Trung Quốc đang bước vào một “cuộc đối đầu địa chính trị mới” và hậu quả sẽ rất khốc liệt. Trong số này, 62% người coi tranh chấp giữa 2 cường quốc là một trong những “thách thức cấp bách” mà nước mình phải đối mặt, thậm chí gây rủi ro cho an ninh quốc gia nếu Mỹ - Trung tiếp tục đối đầu. Tuy nhiên, tùy theo từng quốc gia mà mức độ lo lắng này cũng khác nhau. Theo báo cáo, những người có quan điểm ủng hộ Mỹ nhiều khả năng coi căng thẳng với Trung Quốc là mối đe dọa lớn cho an ninh nước mình. Xu hướng này ngược lại ở nhóm có quan điểm tích cực đối với Bắc Kinh.

Trong 3 quốc gia được khảo sát, Singapore duy trì lập trường cân bằng hơn về mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trong khi ở Hàn Quốc cùng Philippines, cứ 5 người thì có 4 người có cái nhìn tích cực hơn dành cho Washington. Và theo kết quả thăm dò, chỉ 38% người Singapore lo căng thẳng Mỹ - Trung leo thang sẽ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, so với 67% người được hỏi ở Hàn Quốc và 81% tại Philippines. Về kinh tế, người dân đảo quốc Sư tử cũng lạc quan hơn với 27% tin đất nước họ có thể hưởng lợi về kinh tế từ cuộc cạnh tranh chiến lược giữa 2 cường quốc, so với 14% người Philippines và chỉ 6% người Hàn Quốc đồng ý quan điểm này. Nhưng nhìn chung, báo cáo lưu ý quan điểm tích cực về Trung Quốc cũng không ngăn cản thái độ thiện cảm ở các nước dành cho Mỹ, bao gồm đối với chính phủ, văn hóa và ảnh hưởng nước ngoài.

Ðiều này có nghĩa là về tổng thể, Mỹ đang có uy tín tốt hơn so với Trung Quốc trong khu vực. Kết luận này được củng cố khi có khoảng 70% số người được hỏi tỏ ra thiện cảm với Washington so với 34% dành cho Bắc Kinh.

MAI QUYÊN (Theo Straits Times, SCMP)

Chia sẻ bài viết