25/11/2024 - 11:32

Những trào lưu “đi vào lòng đất” 

Không thể tưởng tượng được, những món ăn lạ lùng như trà sữa mắm tôm, trà sữa hột vịt lộn, mì trà sữa trân châu… lại trở thành “trend” (có thể hiểu là xu hướng, trào lưu) của giới trẻ trên mạng xã hội. Còn thêm những kiểu ăn lạ đời khác như lấy lá chuối đem chiên, măng cây sậy xào hay nấu canh… Người trẻ đang nghĩ gì khi ăn những món ấy?

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP Hồ Chí Minh) cảnh báo hậu quả của trào lưu “bắt pen”. Ảnh: tamanhhospital.vn

Nghe tên món ăn thôi đã thấy khó hiểu nhưng rất nhiều người trẻ lại “đu trend” một cách say sưa. Nhiều người hồ hởi khi chinh phục xu hướng đó, xem như là “chiến tích”. Nhiều quán ăn cũng “té nước theo mưa” khi đưa những món ăn được cho là “hợp trend” này phục vụ thực khách, mà hình ảnh đông nghẹt khách của một quán “trà sữa hành lá” ở TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây là ví dụ. Hay là những món ăn “thập cẩm” kiểu mặn - ngọt - lạt - đắng - cay pha lẫn, nghe thôi đã thấy “nhợn” nhưng lại là món chính trong thực đơn. Dĩ nhiên, cách bán hàng này sẽ “sớm nở tối tàn”, nhưng điều đọng lại là nhiều người cần suy nghĩ về cách ứng xử với trào lưu trên mạng xã hội.

Không chỉ ăn theo trend, mà gần đây, một số người còn có nhiều hành động bắt trend phản cảm và tiềm ẩn nguy hiểm. “Bắt pen” là một điển hình. Theo giải thích của cơ quan chuyên môn, hành động này có thể hiểu là việc ép động mạch cảnh hai bên cổ nhằm tạo ra tình trạng thiếu máu não. Nhẹ thì người bị “bắt pen” có cảm giác bị choáng, chóng mặt; nặng hơn là đối mặt nguy cơ đột quỵ, thậm chí tử vong. Và dĩ nhiên, nếu điều đó xảy ra, hậu quả rõ ràng là người mất mạng, kẻ vào tù, chỉ vì trò chơi tưởng chừng… cho vui ấy. Hay là trào lưu chinh phục thử thách, với những hành động từ phản cảm đến nguy hiểm, vậy mà nhiều người vẫn bất chấp để được nhận quà từ người xem trực tuyến.

Có người ví von đó là những hành vi “đu trend” thực sự “đi vào lòng đất” theo đúng nghĩa đen. Bởi, cách ăn uống thiếu khoa học, trộn lẫn như vậy dễ gây bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Còn với những trào lưu tác động trực tiếp đến cơ thể con người, chỉ cần xảy ra một chút sơ suất là có thể đe dọa sức khỏe và tính mạng. Vậy nhưng, điều đáng nói là nhiều người lại chỉ xem đó là trò tiêu khiển, đùa vui.

Mạng xã hội quá lộn xộn, đòi hỏi mỗi người phải “giữ mình” và tự thanh lọc để tiếp nhận những điều tốt đẹp. Ngoài ra, vai trò của gia đình, nhà trường trong hướng dẫn, định hướng, giáo dục người trẻ nhận biết được những nguy cơ, nguy hại khi “bắt trend” xằng bậy, cũng rất quan trọng. Đừng vì một trò vui mà ân hận cả đời!

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết