26/11/2024 - 14:46

Gửi tình yêu quê hương vào 6 câu vọng cổ 

“Tôi yêu quê hương và tôi yêu vọng cổ. Hai tình yêu lớn ấy đã thôi thúc tôi viết nên những câu vọng cổ từ trái tim mình”, soạn giả Nguyễn Văn Bớt chia sẻ.

Soạn giả Nguyễn Văn Bớt (bìa phải) và soạn giả Diệp Vàm Cỏ. Ảnh: CTV

Thời gian gần đây, nhiều thế hệ cựu sinh viên Trường Ðại học Cần Thơ khi họp mặt, gặp gỡ đã ngân nga bài vọng cổ đầy ý nghĩa “Nhớ về Ðại học Cần Thơ”. Bài ca cổ đã được NSND Trọng Phúc và NSƯT Phượng Hằng thể hiện, với những ca từ cảm xúc: “…Ðại học Cần Thơ nay rực rỡ dáng hình. Ta về đây mừng ngày họp mặt, ánh mắt rạng ngời nhớ trang lưu bút ngày xưa. Ký túc xá ngày nào bên tàng phượng đong đưa. Hàng còng dầu dãi nắng mưa nhắc ta nhiều kỷ niệm…”. Có lẽ, bài ca ấy đã chạm đến trái tim của những sinh viên từng trưởng thành dưới mái trường xưa nên ngày càng lan tỏa.

Người viết nên bài ca ấy là soạn giả Nguyễn Văn Bớt, cũng là cựu sinh viên Sư phạm Lịch sử khóa 15 của Trường Ðại học Cần Thơ, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Cần Thơ. Chia sẻ về bài vọng cổ này, soạn giả Nguyễn Văn Bớt cho biết: Những ca từ ngân vang lên trong tâm trí khi ông rảo bước qua từng nẻo đường, giảng đường… quen thuộc trong một lần về lại trường xưa.

Soạn giả Nguyễn Văn Bớt sinh năm 1969, quê gốc ở xã Bình Hòa Nam, huyện Ðức Huệ, tỉnh Long An, nhưng chọn Cần Thơ lập nghiệp. Ông hiện là hội viên Hội Sân khấu TP Cần Thơ, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Sinh ra và lớn lên bên bờ sông Vàm Cỏ Ðông thơ mộng, vốn có truyền thống về đờn ca tài tử nên ông tiếp cận với loại hình này từ khá sớm. Nhưng mãi đến khoảng năm 1995, những bài vọng cổ đầu tay mới được ông chấp bút và đến nay, gia tài của soạn giả Nguyễn Văn Bớt là hơn 100 bài vọng cổ cùng 2 kịch bản sân khấu.

Ðúng như lời tâm tình, soạn giả Nguyễn Văn Bớt đã gửi hai tình yêu lớn là quê hương và vọng cổ vào những bài ca. Ðó là “Ðức Huệ chút tình quê” đầy tự tình qua tiếng hát của nhiều NSND như Thanh Tuấn, Trọng Hữu, Phượng Loan, Hồ Ngọc Trinh…; hay là “Thương nhớ Tháp Mười” qua phần thể hiện của NSƯT Lam Tuyền ngọt ngào như dòng phù sa. Với Cần Thơ, ông luôn dành nhiều tình cảm mến thương. Người mộ điệu ấn tượng qua những sáng tác của soạn giả Nguyễn Văn Bớt như “Thương chuyến phà xưa”, “Vòng Cung vùng đất anh hùng”, “Cờ Ðỏ quê mới tôi yêu”, “Quê mới Thới Lai”, “Sắc xuân Mỹ Khánh”… Phải chăng mỗi bài vọng cổ của ông là sự dung hòa giữa ý, tứ, tình và cảm, nên được nhiều nghệ sĩ tên tuổi chọn thể hiện, góp phần đưa sáng tác vang xa hơn.

Soạn giả Nguyễn Văn Bớt nói rằng, ông chỉ viết vọng cổ khi tâm hồn thổn thức, khi con tim lên tiếng. Như hồi đại dịch COVID-19, những sáng tác như “Tình người trong mùa dịch”, “Chung tay chống dịch”, được giới thiệu trên sóng Ðài Tiếng nói Việt Nam, Ðài Truyền hình Việt Nam, đã có tác dụng tuyên truyền rất lớn. Hay với bài “Ngàn năm thương nhớ Trường Sa”, đó là tấm lòng của người viết ca cổ đất Tây Ðô với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, dù chưa một lần được đặt chân đến.

Nói về sự nghiệp sáng tác của mình, soạn giả Nguyễn Văn Bớt bên cạnh nhắc đến những nghệ sĩ đã giúp bài ca của ông được thăng hoa, ông không quên nhắc đến người thầy nổi tiếng là soạn giả Diệp Vàm Cỏ. Vị soạn giả tài hoa đồng hương đã tận tình hướng dẫn để ông trọn lòng theo đuổi đam mê.

Nhìn lại chặng đường đã qua, soạn giả Nguyễn Văn Bớt vẫn luôn cố gắng, trau dồi hơn nữa để có thêm nhiều bài vọng cổ hay, phục vụ người mộ điệu, góp phần bảo tồn cổ nhạc phương Nam.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết