Rác thải sinh hoạt là nỗi ám ảnh gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị trên địa bàn TP Cần Thơ nói riêng và khu vực ÐBSCL nói chung. Ðể hạn chế tình trạng này, các địa phương trong vùng đã triển khai nhiều công trình, giải pháp thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế tình trạng trên...
Rác thải rắn sinh hoạt được thu gom hằng ngày trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Theo thống kê, tại khu vực ÐBSCL, mỗi năm có hơn 10.000 tấn rác được thải ra; với khoảng 88,3% chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó chỉ khoảng 49% được thu gom và xử lý. Ðiều này đồng nghĩa với 51% thất thoát ra môi trường, gây lãng phí, ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Riêng tại TP Cần Thơ, lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tăng lên hằng năm. Bình quân năm 2022 rác thải thải ra khoảng 653,9 tấn/ngày, năm 2023 khoảng 680,9 tấn/ngày và 9 tháng đầu năm 2024 khoảng 686 tấn/ngày. Công tác thu gom, vận chuyển của các quận, huyện đang thực hiện khá tốt, tính đến thời điểm hiện tại tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt toàn thành phố ở khu vực đô thị được thu gom, xử lý đạt 98,78%, ở khu vực nông thôn đạt 74,58%. Ðối với chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom tập trung chủ yếu khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, đường giao thông nhỏ hẹp, phương tiện thu gom không đến được thì hộ gia đình tự thu gom, phân loại xử lý bằng biện pháp đốt, chôn lấp, ủ chất thải hữu cơ làm phân compost hoặc tận dụng làm thức ăn chăn nuôi…
Từ tính chất cấp thiết của vùng ÐBSCL phải có các giải pháp quản lý, xử lý rác thải rắn từ nguồn cho đến khi thành sản phẩm tái chế, mới đây, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố phối hợp cùng Trường Ðại học Cần Thơ, Viện Friedrich Naunman Foundation (FNF/Ðức) tổ chức Hội thảo “Các mô hình quản lý chất thải rắn cho thành phố thông minh”. Hội thảo đã giới thiệu hướng tiếp cận mới về ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất thải rắn, phương pháp xử lý rác thải thông minh, quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong phát triển mô hình thành phố thông minh.
Bà Lê Thụy Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ, cho biết: “Ô nhiễm môi trường từ nguyên nhân chất thải rắn đang là vấn đề cấp bách với các nước đang phát triển nói chung, Việt Nam nói riêng. Với vai trò đầu mối trong công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ đã kết nối Viện Friedrich Naunman Foundation (tổ chức phi chính phủ nước ngoài) với các nhà khoa học (Trường Ðại học Cần Thơ) thực hiện dự án phát triển mô hình thành phố thông minh, trên nền tảng ứng dụng công nghệ để biến chất thải rắn thành tài nguyên…”.
Tại Hội thảo rất nhiều các giải pháp công nghệ đã được đề xuất. PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Ðại học Cần Thơ đề xuất cần phải xây dựng hệ thống thu gom rác thải thông minh. Hệ thống hoạt động dựa vào công nghệ tự động và điện toán đám mây, như tích hợp internet vạn vật (IoT) cảm biến trong thùng rác để tối ưu hóa các tuyến thu gom và lịch trình dựa trên dữ liệu thời gian thực; ra quyết định dựa trên phân tích dữ liệu, dự đoán xu hướng lãng phí, cải thiện chính sách quản lý chất thải… Bên cạnh đó, công đoạn phân loại và tái chế cũng phải được tự động hóa thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống robot. Có như vậy mới giảm thiểu các hạn chế mà mô hình truyền thống dựa trên sức người như hiện nay đang áp dụng, từ đó nâng cao tính chính xác của công đoạn phân loại, đẩy nhanh thời gian phân loại và tái chế.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàng (Trường Ðại học Cần Thơ) cũng cho biết: tại khu vực ÐBSCL, chôn lấp vẫn đang là giải pháp xử lý rác thải chủ đạo (chiếm 83%). Trong đó, ít nhất 161 bãi chôn lấp với công nghệ lạc hậu, sơ sài. Từ thực trạng này cho thấy cần có sự đồng bộ, nhất quán từ trên xuống, từ chính sách đến hành động trong việc xây dựng và triển khai mô hình phân loại - thu gom - xử lý - sử dụng vật liệu tái chế từ rác. Cụ thể, cần nhanh chóng triển khai luật về phân loại rác tại nguồn, coi việc xả rác bừa bãi và không phân loại rác là các hành động vi phạm pháp luật. Các cảm biến tự động sẽ được lắp đặt vào thùng rác, xe lấy rác… để báo mức độ đầy, cũng như làm cơ sở để thu tiền đổ rác dựa trên số lượng rác thải thực tế của từng hộ gia đình thay vì cào bằng như hiện nay.
Ðồng thời, sau khi rác được thu gom về nhà máy, cần có quy trình phân loại và xử lý rác tự động bằng robot. Ðiều này sẽ giảm nguy cơ các bệnh hô hấp cho công nhân vệ sinh, giảm chi phí trợ cấp độc hại. Hơn thế nữa, trong quá trình xử lý rác thải sẽ phát sinh khí nén, lượng khí này cần có giải pháp công nghệ để kết nối vào hệ thống đường ống cung cấp khí nén cho các công trình, vừa giảm xả thải ra môi trường lại giúp tiết kiệm nguyên liệu… Các giải pháp này nhằm tối ưu phân bổ tài nguyên, giảm chi phí vận hành, tăng tính bền vững của quy trình xử lý rác thải.
Ngoài tính thiết yếu của ứng dụng công nghệ vào xử lý rác thải rắn, nhiều nhà khoa học còn đưa ra các giải pháp đồng bộ giữa truyền thông và tính nghiêm khắc của các chế tài pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Mỗi người dân phải thực sự trở thành một đại sứ, một chiến sĩ tuyên chiến với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải rắn. Ðiều này có thể bắt đầu từ những hành động rất nhỏ và thiết thực như hạn chế sử dụng túi nylon, phân loại rác tại nguồn, không xả rác bừa bãi…
Ông Phạm Nam Huân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Trước đây, thành phố có triển khai phân loại rác tại nguồn thành 3 loại rác không đốt được, rác nguy hại và rác đốt được. Ðến ngày 1-1-2022, kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, việc phân loại như trước đây không còn phù hợp. Ðến ngày 2-11-2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT về hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt cho phù hợp với công nghệ áp dụng xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các chính sách, văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, hướng dẫn các quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Cần Thơ theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó có nêu rõ quy định trách nhiệm của chủ nguồn thải là người dân, trách nhiệm của các đơn vị thu gom, xử lý rác thải và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước…
Bài, ảnh: HÀ VĂN