Vòng đàm phán quốc tế cuối cùng về chống ô nhiễm nhựa đã khai mạc tại thành phố cảng Busan của Hàn Quốc ngày 25-11, trong bối cảnh các nước vẫn còn chia rẽ về cách thức tiếp cận thỏa thuận mang tính ràng buộc.
Các nhà hoạt động Hàn Quốc biểu tình kêu gọi cắt giảm sản lượng nhựa. Ảnh: AP
Ủy ban đàm phán Liên chính phủ về ô nhiễm nhựa được thành lập theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào năm 2022, với mục tiêu xây dựng một văn bản quốc tế có tính ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa, đặc biệt trong môi trường biển. Thỏa thuận này hướng đến việc chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040 và đã trải qua 4 vòng đàm phán trước đó.
Tuy nhiên, để đạt được hiệp ước trên tại vòng đàm phán ở Busan từ ngày 25-11 đến 1-12, các phái đoàn từ 175 quốc gia cần vượt qua nhiều bất đồng. Ðiểm gây tranh cãi nhất là có đặt ra giới hạn về lượng nhựa mà các công ty được phép sản xuất hay không.
Nhóm các nước “có tham vọng cao”, bao gồm 66 quốc gia và Liên minh châu Âu, muốn giải quyết tổng lượng nhựa trên Trái đất bằng cách kiểm soát thiết kế, sản xuất, tiêu thụ nhựa và chất thải.
Trong khi đó, một số quốc gia sản xuất nhựa và dầu mỏ, bao gồm Saudi Arabia, cực lực phản đối những giới hạn trên. Các nước này nhấn mạnh rằng cần tập trung vào quản lý rác thải nhựa và cải thiện quy trình tái chế.
Các nhà đàm phán cũng phải quyết định xem hiệp ước sẽ giảm hay loại bỏ nhựa dùng một lần. Họ cũng sẽ phải xác định có nên chấm dứt việc sử dụng các hóa chất nguy hiểm trong nhựa hay không và những bước này sẽ bắt buộc phải thực hiện hay chỉ là khuyến khích. Mục tiêu chung là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.
Bên cạnh những bất đồng, nhiều quốc gia vẫn tìm được tiếng nói chung về một số vấn đề. Họ đều muốn có các điều khoản thúc đẩy việc thiết kế lại các sản phẩm nhựa để có thể tái chế và tái sử dụng chúng. Các quốc gia còn muốn đầu tư để quản lý rác thải nhựa tốt hơn cũng như tăng tỷ lệ tái chế.
Phát biểu trước khi khai mạc vòng đàm phán ở Busan, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Na Uy Anne Beathe Tvinnereim đánh giá rằng khó đạt được một “hiệp ước hoàn hảo” do sức mạnh của phe các nước sản xuất dầu mỏ. Ðược biết, ngành công nghiệp nhựa toàn cầu trị giá 712 tỉ USD.
Giới quan sát tin rằng vòng đàm phán lần này nhiều khả năng sẽ bị đình trệ và kéo dài, đặc biệt là sau các cuộc thảo luận căng thẳng tại các hội nghị về khí hậu và đa dạng sinh học của LHQ ở Azerbaijan và Colombia trong những tuần gần đây.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thế giới trong năm 2019 đã sản xuất khoảng 460 triệu tấn nhựa, tăng gấp đôi kể từ năm 2000. Sản lượng này dự kiến sẽ đạt 736 triệu tấn vào năm 2040 nếu không có những thay đổi về chính sách.
Hơn 90% nhựa không được tái chế, với hơn 20 triệu tấn rò rỉ ra môi trường, thường chỉ sau vài phút sử dụng. Nhựa cũng chiếm khoảng 3% lượng khí thải toàn cầu, chủ yếu liên quan đến việc sản xuất nhựa từ nhiên liệu hóa thạch.
Năm nay, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm thấy vi nhựa trong tất cả các mẫu nhau thai được xét nghiệm, trong động mạch và tinh dịch của con người. Những phát hiện này củng cố bằng chứng về sự phổ biến của nhựa và nỗi lo về rủi ro sức khỏe.
Cuộc khủng hoảng nhựa được xem là mối đe dọa đối với sức khỏe nhân loại, đa dạng sinh học và khí hậu.
Ngày 25-11, Bộ Môi trường Hàn Quốc tổ chức lễ ra mắt “Sáng kiến kinh tế tuần hoàn nhựa bền vững” tại thành phố Busan với mục tiêu thiết lập một hệ thống hợp tác công tư khép kín trong nền kinh tế tuần hoàn, bao gồm tất cả các chu trình từ sản xuất đến tiêu thụ và tái chế rác thải nhựa. Mục tiêu của sáng kiến này là nhằm thực hiện các công ước quốc tế về môi trường, theo đó sẽ thực hiện quản lý nhựa bền vững thông qua các biện pháp trở thành quốc gia sử dụng nguyên liệu thô tái chế, tăng cường các hành động giảm chất thải nhựa thông qua việc tái chế, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, thiết lập cơ sở hạ tầng và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, hợp tác với cộng đồng quốc tế để giải quyết các vấn đề môi trường.
HẠNH NGUYÊN (Theo AP, AFP)