26/11/2024 - 17:47

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm, tham nhũng 

 (TTXVN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26-11, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật (PCTP&VPPL); công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2024.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Báo cáo về công tác PCTP&VPPL, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, năm 2024, nhận định PCTP&VPPL tiếp tục được tập trung cao độ; công tác phòng ngừa tội phạm từng bước được triển khai theo chiều sâu, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ. Các chỉ tiêu Quốc hội giao cơ bản được hoàn thành, một số chỉ tiêu đạt và vượt…

Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác PCTP&VPPL, phải chủ động nâng cao chất lượng công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, tham mưu chiến lược từ sớm, từ xa... Cùng với đó, tấn công trấn áp mạnh, quyết liệt với các loại tội phạm. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống cháy, nổ. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ các lĩnh vực công tác PCTP&VPPL...

Báo cáo trước Quốc hội về công tác PCTN năm 2024, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đánh giá, công tác PCTN, tiêu cực thường xuyên được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, lãng phí, tiêu cực. Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực, đã tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện. Còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục…

Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, thời gian tới phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về PCTN, tiêu cực...

Trình bày báo cáo công tác của TAND năm 2024, Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí cho biết, năm 2024, tòa án các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh số lượng các loại vụ việc phải thụ lý, giải quyết vẫn tiếp tục tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, nhất là các tội phạm ma túy, vi phạm trật tự an toàn giao thông, xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm mạng... Việc xét xử bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội. Đáng chú ý, đã xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, lãng phí, tiêu cực và Ban Chỉ đạo về PCTN, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi chỉ đạo và các vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội.

Về một số kiến nghị, Chánh án Lê Minh Trí kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật và coi trọng công tác giải thích pháp luật. Hoàn thành các dự án luật, pháp lệnh được phân công chủ trì soạn thảo đúng tiến độ, chất lượng. Tăng cường nghiên cứu, lựa chọn, phát triển án lệ. Đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, con người và các điều kiện cần thiết khác để triển khai các tòa án chuyên biệt theo Luật Tổ chức TAND năm 2024…

Trình bày báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, năm 2024, các chỉ tiêu quan trọng cơ bản của ngành KSND đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Viện KSND tối cao cũng tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao bổ sung chức danh Kiểm sát viên các ngạch tạo điều kiện thuận lợi trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn Kiểm sát viên sơ cấp thực hiện nhiệm vụ trong chỉ tiêu biên chế đã được giao... Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành nghiên cứu, tổng hợp các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến các loại tội phạm gia tăng, diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội... Từ đó, xây dựng Chương trình tổng thể về phòng ngừa, đấu tranh tội phạm cho các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp thực hiện tăng cường hợp tác quốc tế để phối hợp áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm công nghệ cao nói riêng.

m Chiều 26-11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Chia sẻ bài viết