26/11/2024 - 11:54

Tại sao chúng ta khóc? 

Khóc là hành vi thể hiện sự xúc động của con người. Mặc dù các nhà khoa học chưa biết rõ điều gì xảy ra trong khi chúng ta khóc, nhưng một số nghiên cứu đã giúp hiểu được lý do gây khóc, tại sao một số người dễ khóc hơn và tại sao tâm trạng tốt hơn sau khi khóc.

Ngoài thể hiện đau buồn, khóc còn là phương tiện biểu đạt cảm xúc tràn ngập hạnh phúc. Ảnh: Indian Express

3 loại nước mắt

Giáo sư nhãn khoa Darlene Dartt tại Trường Y Harvard (Mỹ) cho biết bất kỳ sinh vật nào có nhãn cầu đều sản xuất ra 2 loại nước mắt là nước mắt cơ bản (có tác dụng giữ ẩm mắt) và nước mắt phản xạ (bảo vệ mắt khỏi các chất gây kích ứng như bụi). Riêng con người còn tiết ra loại nước mắt thứ 3, gọi là nước mắt cảm xúc, khi cảm thấy buồn bã, thất vọng, bị choáng ngợp, vui vẻ hoặc xúc động. Song, cả 3 loại nước mắt đều chủ yếu được tạo thành từ nước, dầu, chất nhầy, prôtêin kháng khuẩn và chất điện giải.

Thông thường, chúng ta hiếm khi có thể cảm nhận nước mắt cơ bản vì nó được tiết ra với lượng nhỏ trong suốt cả ngày. Còn nước mắt phản xạ và nước mắt cảm xúc giải phóng nhiều chất lỏng hơn. Ðó là lý do tại sao người ta thường chảy nhiều nước mắt hơn khi đang cắt hành tây hoặc đau buồn vì sự mất mát. Lượng chất lỏng dư thừa đó chủ yếu đến từ các tuyến nước mắt đặc biệt nằm bên dưới lông mày, được điều chỉnh bởi các tế bào ở thân não.

Nguyên nhân khóc thay đổi theo tuổi tác

Trong giai đoạn đầu đời, hầu hết chúng ta rơi nước mắt vì những trải nghiệm của bản thân như té ngã hay bị ong chích. Song, điều đó bắt đầu thay đổi khi chúng ta lớn lên và phát triển hơn về mặt cảm xúc và xã hội. Chúng ta khóc ít hơn khi phản ứng trước nỗi đau thể xác và khóc nhiều hơn khi kết nối cảm xúc với người khác. “Thế giới của bạn trở nên rộng lớn hơn, vì vậy, có nhiều người trở nên quan trọng hơn đối với bạn”, Tiến sĩ Ad Vingerhoets, chuyên gia tâm lý học tại Ðại học Tilburg (Hà Lan), giải thích.

Một lý do phổ biến nhất khiến chúng ta rơi lệ là sự vắng mặt hoặc mất mát của người thân. Chúng ta cũng khóc vì đồng cảm với hoàn cảnh của người khác. Những giọt nước mắt thương cảm đó xuất hiện vì chúng ta tưởng tượng mình vào vị thế của người khác.

Mặc dù nỗi buồn là cảm xúc liên quan nhiều nhất đến tiếng khóc, nhưng điểm chung của nhiều trải nghiệm đau lòng là cảm giác bất lực. Ðiều đó thậm chí có thể giải thích cho việc một số người thường rơi lệ khi họ cảm thấy bị choáng ngợp về mặt cảm xúc, dù là vì vui mừng, lo lắng hay sợ hãi.

Vì sao nhiều người dễ khóc hơn?

Một yếu tố dự đoán lớn nhất về tần suất khóc của một người chính là giới tính. Nghiên cứu trên khắp thế giới cho thấy phụ nữ thường “mít ướt” hơn nam giới. Các chuyên gia cho biết sự khác biệt đó có thể là kết quả của áp lực xã hội và chuẩn mực giới tính. Theo Giáo sư tâm lý học Jonathan Rottenberg tại Ðại học Cornell (Mỹ), lúc đầu tần suất khóc giữa bé trai và bé gái là như nhau, nhưng về sau yếu tố giới tính mới bắt đầu tác động đến việc rơi nước mắt. Một phần lý do có thể là vì con trai thường được dạy dỗ phải trở nên mạnh mẽ hơn.

Yếu tố hoóc-môn cũng đóng một vai trò trong hành vi khóc. Việc dễ rơi nước mắt do ảnh hưởng của hoóc-môn thường xuất hiện trong thời thanh thiếu niên, giai đoạn các hoóc-môn giới tính phát huy tác dụng. Một giả thuyết cho rằng hoóc-môn sinh dục nam testosterone có thể ức chế nước mắt hoặc sự thay đổi nồng độ hoóc-môn sinh dục nữ estrogen khiến phản ứng khóc có khả năng xảy ra nhiều hơn.

Ngoài ra, một số đặc điểm tính cách có ảnh hưởng đến mức độ dễ khóc của một người. Ví dụ, những người có khả năng đồng cảm cao thường dễ bật khóc hơn.

Khóc cũng là điều tốt?

Có lẽ cuộc tranh luận kéo dài nhất giữa các nhà nghiên cứu là tại sao chúng ta thường cảm thấy tốt hơn sau khi khóc. Trong một nghiên cứu quy mô lớn, các chuyên gia đã hỏi hàng ngàn người trên khắp thế giới về lần khóc gần nhất và hơn 50% cho biết họ cảm thấy tâm trạng tốt hơn, gần 40% không thấy có sự khác biệt nào và 10% cho biết họ thực sự cảm thấy tệ hơn.

Thực tế, khóc - đặc biệt là khi ở một mình - có thể đóng vai trò như một biện pháp tự trị liệu. Mọi người có thể cảm thấy tốt hơn nếu cơn khóc xuất phát từ một vấn đề có thể giải quyết được như bất đồng quan điểm với đối tác, thay vì do một tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát như mất đi người thân.

Còn trong các tình huống xã hội, yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến cảm giác sau khi khóc là cách phản ứng của những người xung quanh. Những người nhận được thái độ ủng hộ, như cái ôm hoặc sự xác nhận cảm xúc của họ, thường cảm thấy khá hơn sau khi khóc. Trái lại, những người bị đáp lại bằng sự tức giận hoặc chế giễu dễ cảm thấy tồi tệ hơn. Ðiều này có lý do vì các chuyên gia cho rằng mục đích chính của hành vi khóc - bất kể độ tuổi nào - là để biểu đạt sự đau khổ của bản thân cho người khác biết.

 AN NHIÊN (Theo NYT)

Chia sẻ bài viết