16/01/2022 - 16:21

Phương Tây không để Nga toại nguyện 

Các cuộc đàm phán trực tiếp vừa diễn ra giữa Nga và Mỹ, giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) không mang lại bất kỳ kết quả nào, nhưng điều này đã được dự báo trước bởi các yêu sách của Mát-xcơ-va “đối chọi” hoàn toàn với lập trường của phương Tây.

Các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ và NATO tại cuộc họp hôm 12-1 ở Brussels. Ảnh: Reuters

Ukraine trong tầm nhìn của Nga

Hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin đã gửi đến NATO và Mỹ dự thảo hiệp ước an ninh, đặt ra 8 yêu cầu mà phương Tây cho là “không thể chấp nhận”. Theo tài liệu lần đầu tiên được Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov công bố, Mát-xcơ-va yêu cầu Washington phải ngăn chặn NATO mở rộng về phía Ðông và không cho phép những nước từng thuộc Liên Xô tham gia vào liên minh này. Nga yêu cầu Mỹ không thành lập căn cứ quân sự ở những nước từng thuộc Liên Xô, hiện vẫn chưa là thành viên NATO và cũng không được “sử dụng các cơ sở hạ tầng cho bất kỳ hành động quân sự nào hoặc tăng cường hợp tác quân sự song phương với những nước này”. Nga đồng thời yêu cầu NATO không được triển khai binh lính hoặc vũ khí tới bất cứ quốc gia nào gia nhập NATO sau năm 1997, tức toàn bộ quốc gia ở phía Ðông của liên minh, mà không có sự đồng ý của Mát-xcơ-va. NATO cũng không được tiến hành các hoạt động quân sự ở Ukraine, Ðông Âu, vùng Nam Caucasus và Trung Á. Các điều kiện này được Nga nêu ra nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu, rút các tiểu đoàn NATO khỏi Ba Lan và các quốc gia Baltic như Estonia, Latvia và Litva từng thuộc Liên Xô cũ. Dự thảo còn kêu gọi hủy bỏ quyết định năm 2008 của NATO về kết nạp Ukraine và Gruzia...

Trong các “yêu sách” trên, vấn đề Ukraine là mục tiêu quan trọng nhất. Ðây là quốc gia nằm trong tâm điểm đối đầu căng thẳng giữa Nga và phương Tây trong những năm gần đây. Thứ trưởng Ngoại giao Nga tuyên bố: “Việc đảm bảo Ukraine không bao giờ trở thành thành viên NATO là một yêu cầu hoàn toàn bắt buộc”. Ukraine có vai trò đặc biệt quan trọng với Nga, bởi xét tới vị trí thì Ukraine được coi là bức tường thành giữa Nga và các nước Ðông Âu đang là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), cũng như có tầm quan trọng mang tính lịch sử và biểu tượng. Ukraine thường được ví như “viên đá quý” trên chiếc “vương miện” trong thời kỳ Liên Xô cũ.

Tổng thống Putin từng nhận định Ukraine có mối quan hệ về kinh tế, ngôn ngữ và văn hóa chặt chẽ với Nga, đồng thời mô tả người dân Nga và người dân Ukraine là “một dân tộc”. Ông chủ Ðiện Kremlin lập luận Ukraine là một phần trong “phạm vi ảnh hưởng” của Nga. Quả thật, nhiều chiến lược gia và các nhà quan sát chính trị quốc tế cho rằng Nga không chỉ đang tìm cách ngăn Ukraine gia nhập NATO mà còn muốn tách Kiev khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của phương Tây.

Sự kiên định của phương Tây

Ðối lập với quyết tâm chính trị rất lớn của Nga, chính quyền Ukraine dưới thời Tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp tục hướng về phương Tây để nhận được sự hỗ trợ kinh tế và vị thế địa chính trị, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Ukraine cũng nhiều lần thể hiện mong muốn gia nhập EU và NATO.

Trước cuộc đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao giữa Nga và Mỹ tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm 10-1 cùng Nga và NATO tại Brussels (Bỉ) hôm 11-1, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg bác các “yêu sách” từ Nga, tuyên bố liên minh quân sự này sẽ không ngừng mở rộng khắp châu Âu. “Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp về nguyên tắc cốt lõi, bao gồm quyền đối với mọi quốc gia để quyết định con đường riêng của mình”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Trong một bài viết trước đó, NATO tuyên bố bác bỏ “bất kỳ ý tưởng nào về những phạm vi ảnh hưởng tại châu Âu”, cho rằng Ukraine có quyền lựa chọn các thỏa thuận an ninh riêng như là nguyên tắc căn bản của an ninh chung châu Âu mà Nga cần phải tôn trọng. Cao ủy các vấn đề đối ngoại Josep Borrell của EU cũng nêu rõ việc Nga coi Ukraine nằm trong “phạm vi ảnh hưởng” của mình là tư duy “lỗi thời”.

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết