TRÍ VĂN
Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hôm 24-2, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không ngừng hỗ trợ Ukraine về tài chính và khí tài quân sự. Song, con số đó là bao nhiêu và nó đã tạo ra sự khác biệt gì hay không hiện vẫn còn là câu hỏi.

Lô vũ khí Mỹ viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Reuters
Chỉ mới tuần trước, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói hỗ trợ mới trị giá 45 tỉ USD cho Ukraine theo yêu cầu của Tổng thống Joe Biden. Đây là gói viện trợ thứ tư mà Washington dành cho Kiev và tổng số tiền được phân bổ cho Ukraine kể từ tháng 2 là gần 100 tỉ USD. Con số đáng kinh ngạc này khiến những người ủng hộ Nga lên tiếng. Nghị sĩ đảng Cộng hòa Marjorie Taylor Greene cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đã biến thành “cuộc chiến ủy nhiệm” do Mỹ tiến hành để chống lại Nga.
Song, nhiều học giả quan hệ quốc tế và các chuyên gia khác lại cho rằng cuộc chiến ở Ukraine mang một bản chất khác. “Rõ ràng đây không phải là cuộc chiến ủy nhiệm. Chiến tranh ủy nhiệm là chiến tranh gián tiếp, thường được tiến hành một cách bí mật, có thể phủ nhận và nằm ngoài giới hạn của luật pháp quốc tế. Quan hệ đối tác Mỹ - Ukraine là một trường hợp điển hình cho hỗ trợ song phương về quân sự và kinh tế” - Vladimir Rauta, giảng viên chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Reading (Anh) nói với al-Jazeera.
Ngoài Mỹ, các nước châu Âu cũng đã đóng góp rất nhiều cho cuộc chiến tại Ukraine. Anh là một trong số những nước đó. Luân Đôn cam kết hỗ trợ Kiev với số tiền 4,13 tỉ euro (khoảng 4,40 tỉ USD), đứng thứ hai chỉ sau Mỹ. Ngoài ra, Anh là một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine. Đến nay, chính phủ xứ sở sương mù đã cung cấp hoặc hứa hẹn cung cấp cho Ukraine nhiều bệ phóng tên lửa M270, hàng ngàn vũ khí chống tăng, hàng trăm tên lửa tầm ngắn, xe bọc thép cũng như một số hệ thống phòng không tầm ngắn tốc độ cao Starstreak. Ngay sau khi nhậm chức hồi cuối tháng 10 vừa qua, tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak còn hứa cung cấp thêm cho Ukraine 125 tên lửa phòng không.
Trong khi đó, Đức đứng thứ ba về viện trợ quân sự dành cho Ukraine. Cho đến nay, Berlin đã “rót” cho Kiev 2,34 tỉ euro cùng với cung cấp nhiều vũ khí hạng nặng như thiết bị chống tăng, tên lửa phòng không hay những loại vũ khí nhẹ hơn như súng máy, lựu đạn cầm tay và các loại đạn dược khác.
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW, Đức), nơi chuyên theo dõi sự hỗ trợ về mặt quân sự, hoạt động nhân đạo và viện trợ tài chính của phương Tây dành cho Ukraine, các quốc gia thành viên EU đã cung cấp tổng cộng 8,61 tỉ euro tiền viện trợ quân sự cho Ukraine. Andre Frank, một nhà kinh tế tại IfW, cho rằng nếu thống kê của IfW bao gồm số tiền mà quỹ hỗ trợ mang tên Cơ sở hòa bình châu Âu (EPF) cung cấp thì tổng hỗ trợ quân sự của EU dành cho Ukraine sẽ tăng thêm 3,1 tỉ euro, tức tổng cộng 11,71 tỉ euro. Chưa dừng lại ở đó, các quốc gia và tổ chức của EU còn quyết định từ tháng tới sẽ viện trợ Ukraine thêm hơn 18 tỉ euro. Như vậy, tổng số tiền mà châu Âu sẽ hỗ trợ cho Kiev lên đến 52 tỉ euro.
Theo al-Jazeera, những người ủng hộ Nga chỉ trích rằng các gói viện trợ tài chính trên dành cho Ukraine là sai lầm hoặc gây hiềm khích. Một số người thậm chí còn cho rằng viện trợ cho Ukraine còn cao hơn nhiều so với ngân sách quốc phòng của Nga. Tuy nhiên, theo cập nhật tình báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Anh, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết chi hơn 116 tỉ bảng (khoảng 140 tỉ USD) cho riêng cuộc chiến tại Ukraine vào năm 2023, trong khi một phân tích gần đây của Hãng tin Reuters phát hiện, ngân sách quốc phòng và an ninh của Nga dành cho năm tới ở mức 155 tỉ USD.