12/08/2023 - 10:59

Phụ nữ khiếm thị giúp tầm soát ung thư vú tại Ấn Ðộ 

NGUYỆT CÁT (Theo DW, Guardian)

Sau khi tham gia một khóa huấn luyện đặc biệt về tầm soát ung thư vú, nhiều phụ nữ khiếm thị tại Ấn Độ đang phát huy năng lực xúc giác vượt trội của họ để phát hiện ung thư vú từ những giai đoạn đầu. Một nghiên cứu cho thấy khả năng tầm soát bệnh của họ tốt hơn cả phương pháp chụp nhũ ảnh.

Cô Ritika Maurya học kiểm tra vú trên mô hình trong chương trình đào tạo MTE.

Điển hình như Meenakshi Gupta, một phụ nữ 31 tuổi bị mù bẩm sinh, sinh sống ở New Delhi. Với tư cách là “Người hành nghề y bằng xúc giác” (MTE), Gupta đã thực hiện hơn 100 cuộc kiểm tra tầm soát ung thư vú trong 8 tháng qua. “Là một phụ nữ khiếm thị được đào tạo để phát hiện ung thư vú, tôi có thể tìm ra những khối u nhỏ nhất, yếu tố rất quan trọng để cứu một mạng người” - Gupta nói về công việc đặc biệt của mình.

Được biết, phương pháp tầm soát ung thư vú dựa trên xúc giác được phát triển bởi Tiến sĩ phụ khoa người Đức Frank Hoffmann vào năm 2011, thông qua dự án xã hội “Discovering Hands” (tạm dịch “Những bàn tay khám phá”). Trong chương trình đào tạo MTE, phụ nữ khiếm thị được dạy cách sử dụng thước dây có chữ nổi để đo từng centimet vùng ngực. Mỗi lần kiểm tra kéo dài 30-40 phút và kết quả được chuyển cho bác sĩ chuyên khoa. Trong khóa đào tạo kéo dài 9 tháng này, học viên còn được dạy tiếng Anh, khoa học máy tính, kiến thức nền tảng về giải phẫu người và sinh lý học tập trung vào ung thư vú, cũng như tìm hiểu về các loại ung thư vú, các phương pháp điều trị mà các bác sĩ phụ khoa và ung thư thường chỉ định. Họ được thực tập 3 tháng tại một cơ sở y tế, trước khi bắt đầu đi làm.

Chương trình đào tạo MTE đến nay đã được mở rộng sang các quốc gia khác - bao gồm Ấn Độ, Áo, Thụy Sĩ, Columbia và Mexico. Riêng tại Ấn Độ, sáng kiến tầm soát ung thư vú này được Trung tâm Nghiên cứu Người khuyết tật và Phụ nữ khiếm thị trực thuộc Hiệp hội Quốc gia về Người khiếm thị Ấn Độ (NABCBW) giới thiệu vào năm 2017. Trung tâm này đã đào tạo 18 MTE và đang đào tạo thêm 8 MTE khác. Kể từ tháng 12-2022, NABCBW triển khai các điểm sàng lọc ung thư vú trên khắp Ấn Độ và các MTE đã giúp tầm soát cho hơn 1.000 phụ nữ.

Theo Tiến sĩ Mandeep Malhotra - Giám đốc khoa Ung bướu tại Bệnh viện CK Birla ở New Delhi, chẩn đoán sớm rất quan trọng trong điều trị. Vì khi khối u được phát hiện ở giai đoạn đầu, cơ hội điều trị thành công lên tới 90%. Không may là có gần 60% số ca ung thư vú ở Ấn Độ được phát hiện khi đã ở giai đoạn III và IV. Dù được khuyến nghị kiểm tra vú ít nhất 1 lần/năm, nhưng phụ nữ nước này ít khi đi khám do nhiều nguyên nhân - bao gồm thiếu nhận thức về nguy cơ ung thư vú và tình trạng quá tải công việc của các bác sĩ. Ngoài ra, 2 phương pháp kiểm tra vú hiệu quả bằng cách siêu âm và chụp nhũ ảnh có những hạn chế nhất định, như thiếu trang thiết bị hoặc đội ngũ chuyên gia y tế để thực hiện các chương trình tầm soát mở rộng.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy các cuộc thăm khám vú do MTE thực hiện cho kết quả chính xác tương đương với bác sĩ chuyên khoa. Các chuyên gia nhận xét mặc dù các MTE không thể thay thế hoàn toàn phương pháp siêu âm và chụp nhũ ảnh, nhưng họ có thể bù đắp sự thiếu sót của những kỹ thuật tầm soát ung thư vú nói trên. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng MTE có thể phát hiện các khối u có đường kính nhỏ chỉ khoảng 6-8mm. Trong nghiên cứu gần đây do Tiến sĩ Malhotra dẫn đầu, các chuyên gia đã xem lại các kết quả kiểm tra vú bằng phương pháp xúc giác trên 1.338 phụ nữ và phát hiện các MTE có tỷ lệ chẩn đoán sót chỉ 1% - thấp hơn đáng kể so với phương pháp chụp nhũ ảnh là 20%.

Kết quả trên thắp lên hy vọng rằng chương trình này sẽ phát triển trên quy mô lớn hơn, giúp ngăn ngừa ung thư vú trên khắp Ấn Độ cũng như toàn thế giới, đồng thời mang lại việc làm cho nhiều phụ nữ khiếm thị.

Chia sẻ bài viết