24/07/2021 - 11:41

Phụ nữ Afghanistan sợ trở lại thời Taliban 

Kể từ ngày Taliban và Mỹ bắt đầu đàm phán gần 2 năm trước, Laila Haidari đã không có một đêm ngon giấc. Haidari là chủ của Taj Begum, một quán cà phê tọa lạc ở thủ đô Kabul. Tại sao điều đó lại khiến cô trở thành mục tiêu đối phó của Taliban?

Haidari tiếp đón khách hàng tại quá cà phê Taj Begum, nơi sẽ không được phép tồn tại dưới thời Taliban.

Haidari tiếp đón khách hàng tại quá cà phê Taj Begum, nơi sẽ không được phép tồn tại dưới thời Taliban.

Câu trả lời có lẽ là do cô dám để kiểu tóc ngắn, trang điểm và sơn móng tay, kết hợp với chiếc áo khoác shalwar kameez màu trắng đẹp lung linh, khác xa với kiểu trùm khăn kín mít từ đầu đến chân thường thấy ở phụ nữ Afghanistan. Hoặc có thể là do cảnh ngồi tán gẫu của những đôi nam nữ dám cùng nhau nhâm nhi tách trà trong khu vườn tao nhã của Taj Begum. Tại đây, những người đang hồi phục sau cai nghiện ma túy được tuyển làm bồi bàn và thu nhập của quán cà phê được dùng để tài trợ cho trung tâm điều trị mà Haidari thành lập. Chỉ một phần nhỏ trong số này sẽ tồn tại sau sự tiếp quản của Taliban. Là phụ nữ, cô ấy thậm chí sẽ không được phép kinh doanh một quán cà phê. “Suy nghĩ của Taliban, hệ tư tưởng của họ, sẽ không bao giờ cho phép một nơi như thế này tồn tại… Tôi lo lắng về tình hình của phụ nữ nói chung” - Haidari thổ lộ.

Nỗi lo của Haidari là có cơ sở. Theo Long War Journal, kể từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố hồi tháng 4 rằng quân đội Mỹ và NATO sẽ rút quân vô điều kiện, chấm dứt cuộc chiến dài nhất từ trước đến nay của Mỹ, Taliban đã mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động khắp Afghanistan. Tính đến giữa tháng 7, Taliban đã kiểm soát hoàn toàn 223/400 quận của Afghanistan, gấp 3 lần con số do chính phủ kiểm soát. Thủ lĩnh của họ nhấn mạnh việc Taliban trở lại nắm quyền là điều không thể tránh khỏi. Thực tế đó khiến nhiều phụ nữ lo sợ sẽ tái diễn những ngày đen tối nhất trong lịch sử đất nước.

Trong suốt 5 năm cai trị từ 1996 đến 2001, Taliban đã áp đặt luật Hồi giáo hà khắc đối với Afghanistan, buộc phụ nữ và trẻ em gái phải sống như đang bị giam cầm tại nhà, cấm đi làm và học hành từ sau 8 tuổi. Đến khi quân Mỹ lật đổ Taliban, nữ giới nước này được đến trường trở lại và đây được xem như một thành quả đáng chú ý. Theo số liệu năm 2020 của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, trẻ em gái chiếm khoảng 40% trong số 9 triệu trẻ em đi học ở Afghanistan. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng đảm nhận những vai trò chưa từng có dưới thời Taliban - như chính trị gia, binh sĩ, cảnh sát, nhà báo, diễn viên. Nhìn chung 20 năm qua, rất nhiều tiền đã được sử dụng để tái thiết Afghanistan, khiến nhiều người kỳ vọng vào một tương lai tự do hơn. Tuy nhiên, mối lo hiện nay là có bao nhiêu trong số những thành quả khó giành được đó sẽ bị hủy hoại hoặc đảo ngược, một khi Taliban nắm quyền hoặc tham gia bộ máy nhà nước. Khi nhóm này mạnh hơn về quân sự, quyền của phụ nữ thường bị suy giảm trước các ưu tiên lớn hơn của Chính phủ Afghanistan.

“Trong 20 năm qua, chúng tôi nhận ra mình là con người và có quyền sống. Thật không may, tình hình hiện tại của đất nước đang quay trở lại những năm 1990. Điều đó có nghĩa chúng tôi đã quay trở lại bóng tối”, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ lo lắng. Mạng lưới Phân tích của Afghanistan cho biết: “Hầu hết phụ nữ mà chúng tôi nói chuyện, bất kể lập trường chính trị và mức độ bảo thủ, đều bày tỏ mong muốn được tự do đi lại, con cái được học hành, và đôi khi là cho chính họ”.

THANH TRÚC (LA Times)

Chia sẻ bài viết