24/04/2022 - 08:34

Phú Luông - mái đình xưa bên rạch Dì Tho 

DUY KHÔI

Men theo rạch Dì Tho, sẽ gặp ngôi đình Phú Luông (tọa lạc tại khu vực Phú Luông, phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) trầm mặc giữa không gian xanh cây trái. “Viên ngọc quý” ấy là niềm tự hào của bà con nơi đây, như bảo chứng cho lối sống trọng nghĩa, kính nhân và hiếu lễ. Càng tự hào hơn khi đình Phú Luông vừa được công nhận Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Gian thờ Thần ở đình Phú Luông.

Phú Luông xưa là vùng đất “đất lành chim đậu”, nơi “đất cũ đãi người mới”. Khéo khen thay ai đã đặt tên vùng đất nơi đây là Phú Luông, Long Hưng. Theo truyền thống phát âm và định danh của người Nam Bộ xưa, “Luông” đồng nghĩa với từ “Long” - có nghĩa là rồng, hoặc mang ý nghĩa thịnh vượng, tốt đẹp. Một số địa danh Nam Bộ nổi tiếng có thành tố “Luông” như Khai Luông, Hàm Luông, Mỹ Luông… Tên gọi Phú Luông được hiểu theo nghĩa mong ước tốt lành về một vùng đất trù phú, thịnh vượng, dễ bề làm ăn. Ðịa danh Long Hưng, ngày nay là tên gọi một phường của quận Ô Môn, nơi có đình Phú Luông, cũng được hiểu theo nghĩa tương tự như vậy.

Rõ ra, ẩn chứa trong tên đất, tên làng, các bậc tiền nhân đã gửi gắm khát vọng về cuộc sống ấm no, sung túc, “bén rễ xanh cây” trên vùng đất mới. Không chỉ vậy, khát vọng ấy còn hiển hiện qua bao công trình dựng xây trên bước đường khai hoang, lập nghiệp. Ngôi đình làng là biểu trưng tiêu biểu.

Theo các vị cao niên trong đình Phú Luông cũng như qua tài liệu nghiên cứu của Bảo tàng TP Cần Thơ, đình Phú Luông được khởi lập vào khoảng thế kỷ XIX. Các cụ già ở Phú Luông kể lại rằng, trên hành trình khai phá vùng đất mới, nhận thấy nơi đây đất đai cao ráo, màu mỡ; gần thì có ngã ba rạch Dì Tho và rạch Sung, xa thì có sông Hậu nên dễ trồng trọt, làm ăn. Lại nữa, xung quanh vùng đất này còn có nhiều cổ thụ, che chắn như một bức bình phong vững chãi. Thế đất ấy đã khiến tiền nhân chọn đất này sinh sống, lập nghiệp. Ðể có chỗ nương tựa tinh thần, tâm linh, tiền nhân lập ngôi đình nhỏ thờ thần linh, bằng tre lá đơn sơ, ngay vị trí đình Phú Luông bây giờ.

Từ khi ngôi đình nhỏ được dựng lên, chuyện sinh sống, làm ăn của bà con dân làng ngày càng khởi phát, sung túc. Biết ơn Thần hoàng bổn cảnh, Tiền hiền, Hậu hiền, ngôi đình Phú Luông ngày càng được dân làng tôn kính, sớm hôm nhang khói. Ðể chính danh, hợp pháp cho đình như một “thiết chế” của làng, dân làng làm đơn xin quan sở tại và cử một số vị cao niên uy tín đi ghe bầu ra Huế xin triều đình “hợp thức hóa” cho làng. Thể theo nguyện vọng chính đáng ấy của người dân làng Phú Luông, vua Tự Ðức đã ngự ban Sắc phong “Bổn cảnh thành hoàng” cho đình vào năm Tự Ðức thứ 5 - năm 1852.

Trải qua năm tháng, đời nối đời giữ giềng mối đạo nghĩa bổn làng nơi đình Phú Luông. Sự chung lòng trong việc tôn tạo, sửa sang đình làng rồi chăm chút cho lễ nghi, cúng kính theo lệ thường càng giúp dân làng thêm khắn khít và ngôi đình ngày càng ăn sâu vào tiềm thức của bà con. Ðến năm 1936, ngôi đình được dân làng chung sức xây dựng kiên cố, kiến trúc mang nét đặc trưng đình làng Nam Bộ.

Có thể nói, đình Phú Luông là một trong những ngôi đình đẹp và cổ kính, có quá trình hình thành và phát triển gắn với lịch sử khẩn hoang của vùng đất Cần Thơ xưa. Ðiều đáng quý là đến bây giờ, đình vẫn còn bảo lưu nhiều giá trị kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật mang đậm nét truyền thống của dân tộc.

Về kiến trúc, đình Phú Luông được cất theo kiến trúc truyền thống ở Nam Bộ. Tổng thể kiến trúc đình gồm nhiều khối nhà sắp xếp trên cùng một trục, kết cấu khung sườn gỗ kiểu 3 gian 2 chái, xung quanh xây tường gạch, mái lợp ngói, nền lót gạch tàu. Hệ thống vì kèo và các tầng mái được nâng đỡ bởi 20 cột gỗ tròn, các bộ phận liên kết nhau bởi hệ thống mộng, trục chốt gỗ. Ðây là yếu tố quan trọng trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, tạo giá trị thẩm mỹ, bền vững cho ngôi đình và thể hiện tay nghề của nghệ nhân. Chính điện được cất cao ráo, kết cấu hệ thống cột kiểu tứ trụ vững chãi, với 3 tầng mái chồng nhau, trên hệ mái trang trí tượng rồng, kỳ lân, cá hóa rồng... rất phong phú, bằng gốm men màu Nam Bộ, niên đại khoảng đầu thế kỷ XX.

Ðáng quý hơn, đình Phú Luông hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị. Ngoài Sắc phong đình làng vào năm 1852, đình còn bảo lưu nghệ thuật thư pháp và chạm khắc chữ Hán Nôm ở hệ thống hoành phi, liễn đối, các hương án, tranh thờ... Di sản văn hóa lễ hội cũng được giữ gìn vẹn nguyên. Ông Huỳnh Tấn Hai, Ban Tế tự đình Phú Luông, cho biết: Mỗi năm đáo lệ, đình diễn ra 3 cuộc lễ lớn là Lễ Cầu an (ngày Rằm và 16 tháng Giêng âm lịch), Kỳ yên Thượng điền (từ ngày 19-21/3 âm lịch) và Kỳ yên Hạ điền (từ ngày 19-20/12 âm lịch). Mỗi cuộc lễ, Ban Tế tự đình đều chú trọng nghi thức cổ lệ của Kỳ yên đình làng Nam Bộ được truyền đời nối giữ, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương.

Ðình Phú Luông là di tích được xếp hạng thứ 5 ở quận Ô Môn. Ông Trịnh Văn Nam, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND phường Long Hưng, cho biết: “Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Long Hưng hết sức vui mừng vì đình Phú Luông là di tích được xếp hạng đầu tiên trên địa bàn phường. Ðịa phương xác định đây là địa chỉ trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, ghi dấu công lao của tiền nhân trên vùng đất này. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai các giải pháp nhằm phát huy giá trị di tích, trong đó chú trọng việc giới thiệu nét đẹp di sản cho học sinh, tuổi trẻ của phường”.

Cùng với hệ thống đình làng trên địa bàn thành phố, Di tích kiến trúc nghệ thuật Ðình Phú Luông là minh chứng sống động cho bề dày văn hóa lâu đời và giàu bản sắc của đất và người Cần Thơ.

Chia sẻ bài viết