26/02/2009 - 21:36

Phòng trị rôm sảy mùa nóng

BS Từ Tuyết Tâm
(Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ)

Rôm sảy là tình trạng viêm da thường gặp ở trẻ em, chiếm khoảng 15% trẻ mới sinh. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể bị rôm sảy, nhất là vào mùa hè, nắng nóng hay môi trường nóng ẩm.

Mặc quần áo rộng, thoáng mát cho trẻ trong mùa nắng nóng để phòng tránh rôm sảy.
Ảnh: K.L

Rôm sảy xảy ra do tình trạng tắc nghẽn ống tuyến mồ hôi làm vỡ ống tuyến, thoát mồ hôi ra mô xung quanh, gây nên phản ứng viêm.Tùy vào mức độ và thời gian tiếp xúc với nhiệt hay môi trường nóng ẩm, rôm sảy có biểu hiện da khác nhau: sẩn, hồng ban, mụn nước hoặc mụn mủ.

Có 3 loại rôm sảy:

- Rôm sảy mụn nước trong: biểu hiện là mụn nước nhỏ như đầu đinh ghim, dễ vỡ giống như “giọt sương”. Mụn nước có thể rời rạc hoặc mọc thành từng chùm, có thể có mảng da đỏ (hồng ban) và thường không triệu chứng. Loại rôm sảy này xuất hiện do tắc nghẽn ống tuyến mồ hôi gây ra tích lũy mồ hôi dưới lớp sừng.

- Rôm sảy do nhiệt: là loại rôm sảy hay gặp nhất, thường gặp khoảng 1 tuần sau sinh. Biểu hiện là sẩn và mụn nước bao quanh bởi quầng đỏ, nếu quá nhiều sẽ tạo ra mảng hồng ban lan tỏa. Rôm sảy do nhiệt là do sự tắc nghẽn phần ống tuyến mồ hôi trong thượng bì. Bệnh nhân thường bị ngứa, một số người có cảm giác châm chích hoặc như kiến bò.

- Rôm sảy ở sâu là dạng tắc nghẽn ống dẫn sâu hơn. Bệnh nhân có nhiều đợt bị rôm sảy do nhiệt, sự tắc nghẽn phần ống tuyến ở lớp bì gây ra phát ban sẩn màu trắng. Đây là loại rôm sảy hay gặp ở vùng khí hậu nhiệt đới và rất hiếm gặp ở trẻ em.

Trẻ em thường bị nổi rôm sảy ở trán, cổ, thân trên, lưng, vùng da bị bít lỗ chân lông, đôi khi cả thân người. Còn người lớn hay bị rôm sảy ở lưng, hai bên thắt lưng, mặt ngoài cánh tay, cẳng tay, mặt trước đùi, cẳng chân... Đa số bệnh nhân bị ngứa và ngứa tăng lên khi trời nóng.

Rôm sảy thường xảy ra khi trời nóng quá mức. Những đối tượng sau thường bị rôm sảy: trẻ nằm trong lồng ấp; trẻ quấn tã hay mặc quần áo quá kín; trẻ đang bị sốt; người bị liệt hay bị tai biến mạch máu não nằm lâu ở một tư thế, ít xoay trở làm vùng da tiếp xúc với giường, nệm thường nóng ẩm; những người làm việc trong môi trường nóng ẩm như: hầm lò, xưởng nướng bánh, đầu bếp...

Một số trường hợp rôm sảy xảy ra do người dân có tập tục cho trẻ nằm than sau khi sinh, làm da trẻ bị đổ mồ hôi nhiều. Những trường hợp này thường bị nặng do bội nhiễm vi trùng và phải vào viện điều trị.

Để phòng tránh và điều trị rôm sảy cho trẻ, cần:

- Cho trẻ em mặc đồ rộng rãi, chơi và sinh hoạt trong môi trường thoáng mát.

- Vệ sinh da sạch sẽ, khô ráo.

- Tránh các tập tục làm da trẻ bị nóng ẩm, tạo điều kiện gây ra rôm sảy.

- Khi trẻ bị ngứa, hạn chế cào gãi vì sẽ làm trầy xước da, gây nhiễm trùng và viêm da lan rộng hơn.

- Có thể tắm bằng thuốc tím pha loãng 1/10.000 hoặc bôi các chế phẩm làm dịu da như: dung dịch Dalibour, hồ nước, Zarish; bôi ngày 2 lần trong 1-2 tuần.

- Uống thuốc chống ngứa: antihistamin như: Chlopheniramin, siro Phenergan, Loratadin, Fexofenadin...

- Nếu không giảm, có thể bôi thuốc có corticoid như: Eumovate cho trẻ em, Gentrisone, Fucicort, Betaderm... cho người lớn.

- Khi tổn thương da có mủ, viêm nhiều thì phải được điều trị ở bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Chia sẻ bài viết