07/05/2018 - 21:56

Phòng ngừa bệnh tiêu chảy cho trẻ 

Bệnh lý tiêu chảy thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt tiềm ẩn nhiều nguy cơ tử vong đối với trẻ dưới 2 tuổi. Bác sĩ CKI Phạm Nguyễn Yến Trang, Phó Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về vấn đề này.

Bác sĩ tư vấn cho các bậc phụ huynh kiến thức hữu ích chăm sóc cho trẻ bị tiêu chảy.
Bác sĩ tư vấn cho các bậc phụ huynh kiến thức hữu ích chăm sóc cho trẻ bị tiêu chảy.

Theo bác sĩ Yến Trang, tiêu chảy là bệnh lý truyền nhiễm phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh này là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong cho trẻ, sau nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Tỷ lệ 80% trẻ em dưới 2 tuổi tử vong do tiêu chảy là con số đáng buồn, do vậy các bậc cha mẹ không thể lơ là bệnh lý này. Tiêu chảy cũng được xếp là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất của trẻ.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh như tiêu chảy phân lỏng hay tóe nước, nhiều trường hợp có lẫn máu trong phân. Cha mẹ có thể nghĩ trẻ bị tiêu chảy khi em bé đi tiêu trên 2 lần/24 giờ và tiêu chảy dưới 14 ngày. Bệnh do nhiều nguyên nhân, có thể do vi rút, vi trùng hoặc ký sinh trùng hoặc do khó tiêu chức năng.

Khi trẻ bị tiêu chảy do vi rút, dấu hiệu ban đầu trẻ có thể bị ho, sổ mũi rồi diễn tiến tới tiêu chảy. Đặc biệt, bệnh do vi rút rota, trẻ mắc phải có thể bị nôn ói, tiêu lỏng và thường kéo dài trong 7 ngày, gây mất nước nên cha mẹ cần quan tâm vấn đề dinh dưỡng và đặc biệt bù nước cho trẻ trong giai đoạn này. Ngoài ra, trẻ có thể bị tiêu chảy do vi khuẩn, đặc biệt là các chủng E.coli, do ký sinh trùng… hoặc tiêu chảy do khó tiêu chức năng, hay còn gọi là rối loạn tiêu hóa do thức ăn, do uống sữa, ăn thức ăn.

Theo các bác sĩ nhi khoa, những yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh lý tiêu chảy thường gặp ở trẻ do các thói quen chưa khoa học trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Đó là việc các bà mẹ không cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sữa mẹ có rất nhiều dinh dưỡng và kháng thể nên không cho trẻ bú mẹ sẽ gây nhiều thiệt thòi cho trẻ, trẻ đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật.

Bên cạnh đó, tập quán cai sữa trẻ trước 1 tuổi, cho trẻ bú bình sớm dẫn đến các vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm, là những yếu tố nguy cơ gây bệnh tiêu chảy. Ngoài ra, thức ăn nấu chín để lâu trong môi trường nhiệt độ phòng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn. Các yếu tố như nguồn nước bị nhiễm khuẩn, cha mẹ khi chăm sóc trẻ không đảm bảo vệ sinh, không rửa tay thường xuyên trong việc chế biến thức ăn cho trẻ… cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy cho trẻ. Ngoài những yếu tố trên, các yếu tố vật chủ cũng có thể là nguy cơ gây tiêu chảy ở trẻ, như: suy dinh dưỡng, sởi, ức chế hoặc suy giảm miễn dịch.

Quá trình trẻ bị tiêu chảy, việc bù nước phòng ngừa rất quan trọng. Vì khi mất nước, dẫn đến các biến chứng như rối loạn điện giải, rối loạn toan kiềm, hạ đường huyết, rối loạn tri giác, co giật hôn mê. Nếu không được can thiệp kịp thời, có thể diễn tiến suy thận cấp, sốc nhiễm trùng, tử vong. Bác sĩ sẽ phân loại tình trạng trẻ mất nước, mất nước nặng hoặc không mất nước dựa trên các dấu hiệu bệnh của trẻ.

Do đó, bên cạnh phác đồ điều trị của bác sĩ tùy theo mức độ mất nước của trẻ, phụ huynh có thể bù nước bổ sung tại nhà cho trẻ bằng các dung dịch: nước chín, nước cháo muối, nước dừa, Oresol, viên Hydrite. Đặc biệt, cần bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, không nên kiêng khem, dễ dẫn đến suy kiệt cơ thể. Bên cạnh đó, cha mẹ lưu ý vệ sinh vùng kín cho bé trong thời gian bệnh. Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ trong thời gian bị bệnh.

Bác sĩ Yến Trang cũng khuyến cáo, để phòng bệnh tiêu chảy, cha mẹ nên kéo dài thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, ít nhất từ 6 tháng tuổi đến khi trẻ đủ 2 tuổi; cải thiện tập quán ăn dặm, sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh sạch sẽ, nhất là trước khi chăm sóc bé.

THU SƯƠNG (lược ghi)

Chia sẻ bài viết