26/11/2009 - 09:48

“Thứ ba học trò”

Phim về tuổi học trò hồn nhiên, trong sáng

Thầy giáo Nghiêm Tuấn và các học sinh trong “Thứ ba học trò”. Ảnh: dienanh.net

“Thứ ba học trò” (phim truyền hình Việt Nam dài 45 tập, TVPlus sản xuất, phát sóng lúc 22 giờ 30 thứ năm đến Chủ nhật hằng tuần trên HTV9) đang nhận được nhiều lời khen từ khán giả trẻ lẫn các bậc phụ huynh. Bộ phim phản ánh thế giới học trò trong sáng và hồn nhiên, kèm theo nhiều câu chuyện giáo dục nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người.

Thầy giáo Nghiêm Tuấn - một giáo viên trẻ mới ra trường - được phân công giảng dạy môn giáo dục giới tính kiêm chủ nhiệm lớp 12A1 “siêu quậy” có biệt danh “40 tên cướp” của một trường tư thục. Lớp học có nhiều cô cậu học trò con nhà giàu thích chọc phá thầy cô và chơi bời lêu lổng hơn học hành. Thầy Nghiêm Tuấn đã dùng tình thương, sự quan tâm và chân tình để cảm hóa, dạy dỗ học trò. Tình cảm chân thành của thầy được các học trò đáp lại bằng sự cảm phục, kính mến và các em đã chia sẻ với người thầy khát khao được yêu thương, quan tâm, chia sẻ về tinh thần, chứ không đơn thuần là sự đầy đủ về vật chất mà bấy lâu nay ba mẹ của các em tưởng rằng quan trọng nhất. Từng hoàn cảnh của các học trò, từng câu chuyện trong mỗi tập phim cũng là lời cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh. Sinh ra và lớn lên trong những gia đình đầy đủ vật chất nhưng hầu hết các em đều cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong ngôi nhà sang trọng của chính mình, vì ba mẹ mải mê kiếm tiền, giao việc chăm sóc con cho người làm, quên bổn phận dạy dỗ.

Phát sóng ngày 13-11-2009 đến nay, qua từng tập của “Thứ ba học trò” nhận được nhiều lời khen từ khán giả. Phim toát lên sự nhẹ nhàng, dễ thương, tinh nghịch, trong sáng mang tính giáo dục nhưng không hề “lên gân”, giáo điều. Những tình tiết vừa phải, đan lồng khéo léo, vừa miêu tả chuyển biến tâm lý nhân vật, vừa dẫn dắt khán giả đồng cảm hoàn cảnh riêng của từng học trò và cả người thầy. Chẳng hạn như trường đoạn Kỳ Thư - cô học trò được lớp “phái” đến tìm hiểu gia cảnh thầy Nghiêm Tuấn để dễ bề chọc phá. Đến nhà thầy, Kỳ Thư từ chỗ “soi mói” đã chuyển sang cảm phục khi trò chuyện với người mẹ hiền dịu của thầy Tuấn là một cô giáo về hưu vì lao lực, biết người cha từng bỏ mẹ con thầy theo vợ nhỏ nay quay về, muốn bắt thầy theo nghiệp kinh doanh của ông mà bỏ nghề “bán cháo phổi”, nghe thầy Tuấn tranh luận với cha về ước mơ được đứng trên bục giảng... Phát hiện Kỳ Thư đến nhà mình “do thám”, thầy Tuấn không giận, mà còn chân thành cảm ơn Kỳ Thư đã đến nhà trò chuyện và đỡ đần công việc cho mẹ thầy, sau đó mới nhẹ nhàng mà nghiêm khắc khuyên cô học trò nhỏ không nên nói dối người lớn, không nên bỏ thời gian quý báu của mình để làm chuyện vô bổ nên tập trung học hành vì đã là năm cuối cấp...

Điểm dễ thương đáng ghi nhận là phim thể hiện tình cảm trong sáng, không ủy mị và đúng tâm lý tuổi học trò. Từ tình yêu và tình đồng nghiệp của thầy Tuấn với cô giáo Thư Cầm, đến sự ngưỡng mộ kính yêu pha lẫn một chút mộng mơ lãng mạn của Kỳ Thư dành cho thầy giáo... Bối cảnh, trang phục không hề khoa trương như nhiều phim tuổi học trò gần đây, cảnh trường học khá gần gũi với thực tế, cảnh nhà đơn sơ phản ánh cuộc sống thanh bạch của thầy Tuấn, rồi trang phục của các diễn viên trẻ không quá lố lăng và sành điệu.

Ca sĩ Đan Trường trong vai thầy giáo Nghiêm Tuấn tuy có một chút “khớp” ở những tập đầu, nhưng dần dần đã thể hiện tốt tính cách hiền lành nhưng quyết đoán của thầy Tuấn. Diễn viên Nguyệt Ánh diễn cô giáo Thư Cầm hợp vai và xứng đôi với Đan Trường. Đông Nhi vai Kỳ Thư hồn nhiên, nhí nhảnh, mộng mơ rất đáng yêu. Các diễn viên còn lại, như Phương Hằng, Phương Trinh, Vân Nhi, Baggio, Bạch Công Khanh, Văn Anh Duy... đều lột tả được tính cách nghịch ngợm, quậy phá nhưng cũng biết phục thiện của các học trò.

Chỉ tiếc một điều, phim phát sóng quá khuya, lúc 22 giờ 30, có khi bị kéo đến gần 23 giờ vì quảng cáo, khiến đa số khán giả học trò không thể theo dõi đều đặn.

XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết