21/04/2011 - 09:21

ĐỌC “THÂM SƠN KÌ CỤC ÁN”:

Phép nước và lệ làng
từ những "vụ án" nơi núi rừng

Tập phóng sự của nhà văn, nhà báo Vũ Đức Sao Biển, do Nhà Xuất bản Trẻ phát hành quí I/2011, kể lại 42 vụ án “kì cục” xảy ra trong vùng dân tộc ít người thuộc các tỉnh Quảng Nam, Nghệ An, Bình Thuận, Bình Phước, Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng...

Các sự kiện trong tập phóng sự rất phong phú: từ những vụ đơn giản về con trâu đi lạc, con heo nái, con mèo kêu đến các vụ phức tạp như cắn đứt vành tai, cắn sứt lỗ mũi, vô ý làm chết người, tranh giành gia tài... Có những vụ được đưa ra tòa nhưng có những vụ được giải quyết ngay tại làng, xã mà người xử án là già làng, công an, chủ tịch xã hay bộ đội biên phòng... Nhưng tất cả đều được xử lý rốt ráo, hợp tình hợp lý. Điều đáng chú ý là đa số các vụ án đều được hòa giải, giữ tình làng nghĩa xóm. Để hòa giải thành công thì người đứng ra hòa giải phải hiểu rõ luật tục của từng dân tộc, phải nói thấu tình đạt lý. Khi nghe ra, bà con ta dễ dàng cho “chuyện to hóa nhỏ” và hòa thuận như chưa hề có gì xảy ra, thậm chí có khi còn vui vẻ rủ nhau đi... nhậu.

Điển hình như vụ “Cây quế giữa rừng”: ông S và ông R (dân tộc Mơ Nông, tỉnh Quảng Nam) là bạn thân. Một hôm, ông S chặt trộm một cây quế của ông R bán lấy tiền mua rượu thịt rồi mời ông R cùng nhậu. Khi phát hiện, ông R kiện ông S ra Ủy ban nhân dân xã. Chủ tịch xã mời hai ông lên giải quyết. Sau khi trừ số tiền mua rượu thịt, chủ tịch xã buộc ông S trả số tiền bán cây quế còn lại cho ông R và phạt hành chính ông S 100.000 đồng. Khi ra về, ông R nói: “Lão S cầm 50 ngàn đồng này đi, kiếm thêm 50 ngàn đồng nữa đóng tiền phạt. Mình còn 50 ngàn đồng đây, hai anh em mình đi mua đồ nhậu”.

Không chỉ dung hòa giữa “phép nước” và “lệ làng” mà những “vụ án” của địa phương được xử còn toát lên tình người cao đẹp. Chẳng hạn như UBND huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang), tỉnh Quảng Nam đứng ra lãnh nợ số tiền hơn 10 triệu đồng mà gia đình ông Ating Đang (dân tộc Cơtu) đòi gia đình nhà gái bồi thường khi con dâu của họ bỏ trốn, nếu không họ bắt cô em vợ chỉ mới 12 tuổi thay chị làm vợ. Sau vụ án Zơ Râm Mạnh, dân tộc Cơtu, phạm tội giết động vật quí hiếm và sử dụng vũ khí trái phép, Mạnh đã phải chịu tội, thẩm phán và các kiểm sát viên đã góp tiền giúp Zơ Râm Mạnh và gia đình vượt qua khó khăn...

“Thâm sơn kì cục án” không chỉ giúp người đọc có những giây phút giải trí thoải mái mà còn giúp mọi người hiểu hơn những luật tục cũng như đời sống của các dân tộc anh em.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết