13/05/2018 - 17:44

Phát triển nghề làm dây keo xuất khẩu 

Những năm gần đây, làng nghề sản xuất dây keo xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang ngày càng phát triển. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Campuchia.

Sản xuất dây keo ở xã Mỹ Hội Đông. Ảnh: PHI ĐIỆP
Sản xuất dây keo ở xã Mỹ Hội Đông. Ảnh: PHI ĐIỆP 

Nghề làm dây keo phục vụ sản xuất nông nghiệp và đánh bắt thủy sản ở xã Mỹ Hội Đông được hình thành từ cách đây 50 năm. Những năm gần đây, nhu cầu đối với mặt hàng này ngày tăng cao, nhiều cơ sở dù hoạt động hết công sức vẫn không đủ sản lượng đáp ứng cho thị trường. Chị Nguyễn Thị Kim Sáng, chủ cơ sở sản xuất dây keo Lập Thành, ấp Mỹ Thạnh, cho biết: “Khoảng 2 năm trở lại đây, nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng dây keo tăng mạnh, đặc biệt do việc dây ni lông tăng giá, thị trường quay sang chọn dây keo nên mặt hàng này ngày càng hút hàng. Bình quân mỗi ngày, cơ sở xuất từ 2-3 tấn hàng”.

Cũng theo chị Sáng, thời điểm năm 2004 khi xã được trang bị hệ thống điện lưới 3 pha nên các cơ sở có điều kiện đầu tư nhà xưởng, máy móc, dây chuyền hiện đại phục vụ sản xuất. Nhờ vậy, việc sản xuất, kinh doanh của các cơ sở gặp nhiều thuận lợi. “Hiện nay, sản phẩm của các cơ sở sản xuất dây keo xã Mỹ Hội Đông phong phú về chủng loại từ loại dây nhỏ nhất đường kính 1-2mm đến các loại dây thừng, chão có đường kính tối đa đến 4cm để khai thác thủy, hải sản, đóng gói hàng hóa. Thị trường của mặt hàng này chủ yếu ở các tỉnh, thành ĐBSCL như: Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ... và TP Hồ Chí Minh, thậm chí được xuất sang thị trường Campuchia” – chị Sáng thông tin.

Nhờ đẩy mạnh sản xuất, các cơ sở đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cao cho người dân. Hiện toàn xã có 6 cơ sở sản xuất khép kín, với khoảng 200 hộ làm gia công, giải quyết việc làm gần 500 lao động. Bình quân, mỗi lao động có thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng tùy theo tay nghề. Lao động trực tiếp tại các cơ sở thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người mỗi tháng.

Là một trong những lao động gắn bó với nghề từ lúc mới hình thành ở địa phương, cô Phan Thị Ngọc Hóa, xã Mỹ Hội Đông, cho biết: Nghề làm dây keo tuy không khó nhưng lại khá nhọc công và đòi hỏi sự chăm chỉ, tỉ mỉ của người thợ. Đặc biệt, nghề này không thể làm 1 mình, luôn có sự kết hợp giữa 2 người. Một người sẽ đảm nhận việc chia dây và quấn dây, người còn lại nhận nhiệm vụ căng dây và se dây. Công việc này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa 2 người, người chia phải nhả dây từ từ, nếu quá nhanh sẽ rối, còn chậm người kéo sẽ rất nặng.

Người thợ được chủ các cơ sở trả từ 1.200 - 2.200 đồng/kg thành phẩm tùy kích cỡ từng loại dây. Bình quân mỗi ngày, gia đình cô Hóa se được 8 ống dây, mỗi ống dây khoảng 20kg sản phẩm, thu nhập trên dưới 200 ngàn đồng. “Do thu nhập theo thành phẩm, nên ai cũng cố gắng làm. Một ngày, nếu chịu khó làm khoảng 12 - 13 giờ, một người thợ cũng kiếm được khoảng 300 ngàn đồng. Ở đây, người thợ se dây keo không có ngày nghỉ, chỉ dừng tay khi trời mưa hoặc cúp điện”- cô Hóa chia sẻ.

Ông Phạm Chí Cường, cán bộ tiểu thủ công nghiệp xã Mỹ Hội Đông, cho biết: Để giúp đỡ các hộ tham gia nghề làm dây keo, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện những biện pháp phát triển làng nghề như: Hỗ trợ cho các hộ vay vốn trang bị máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ các cơ sở tìm kiếm khách hàng, khai thác thị trường...

PHI ĐIỆP

Chia sẻ bài viết