28/03/2012 - 21:02

Phát triển hàng Việt tại chợ truyền thống

Chợ truyền thống vẫn được xem là kênh phân phối lớn hàng hóa.

Các kênh phân phối hiện đại như: siêu thị, cửa hàng tiện ích... đang là xu hướng lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Mặc dù vậy, chợ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng, đặc biệt đối với người dân vùng sông nước Nam bộ. Chợ không chỉ để mua sắm mà còn là nơi giao lưu văn hóa... Thời gian qua, hàng Việt ngày càng được ủng hộ và chiếm tỷ lệ lớn tại các chợ truyền thống.

* Sức hút chợ truyền thống

Chị Lê Thị Minh Hoàng, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Sự ra đời của các siêu thị trên địa bàn trong những năm trở lại đây đang dần làm thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người tiêu dùng. Nhưng với gia đình tôi, hầu hết các loại thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống phần lớn đều được mua ở chợ...”. Chợ truyền thống đóng vai trò nhất định trong cuộc sống của nhiều người tiêu dùng. Không chỉ là mua sắm, đi chợ là niềm vui của rất nhiều chị em... Dù tại các khu chợ, hàng hóa kinh doanh là tổng hợp và khá giống nhau. Nhưng mỗi chợ đều có những thế mạnh riêng. Giả sử, trên địa bàn TP Cần Thơ, chợ Tân An được biết đến với vựa đầu mối rau, củ quả và thủy hải sản tươi sống; chợ Phong Điền với các đặc sản nhà vườn; chợ An Bình có thế mạnh khu chợ đêm chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng giá rẻ... Ngoài ra, chợ còn là điểm đến tham quan, mua sắm của khách du lịch với các mặt hàng đặc sản địa phương.

Với nhiều người, điều thú vị khi đi chợ là được thỏa sức “rọ hàng”, trả giá. Để đảm bảo văn minh, giữ gìn trật tự trong kinh doanh, việc niêm yết giá và bán đúng giá bán được phần lớn các tiểu thương thực hiện khá nghiêm. Tuy vậy, người mua hàng vẫn có thể được bớt “chút đỉnh” cho vui! Chị Minh Huyền, đường 3 Tháng 2, quận Ninh Kiều, cho rằng: Nói thách trả giá có thể được xem là một nét văn hóa ở chợ. Điều này khác với việc nói thách rồi buộc khách hàng phải mua. Bởi đến chợ mua hàng, không ai là không có tâm lý phải trả giá một hai tiếng để cho khỏi bị “hớ”. Đây hình như dần dần thành quen của người mua lẫn người bán. Nhờ vậy, chợ đang được coi là kênh phân phối đặc biệt quan trọng, chiếm khoảng 80% thị phần bán lẻ tại Việt Nam.

* Cộng sinh để phát triển

Khoảng 5 năm trở lại đây tại TP Cần Thơ, số lượng siêu thị tăng gấp đôi. Kênh bán hàng truyền thống theo đó bị thu hẹp và cạnh tranh khốc liệt. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, sự an toàn của sản phẩm. Không chỉ chú trọng chất liệu, thương hiệu sản phẩm, người tiêu dùng rất quan tâm đến chế độ hậu mãi như việc chăm sóc, khuyến mãi từ nhà sản xuất, nhà cung cấp... Vì vậy, phát triển hàng hóa, nhất là hàng Việt tại các chợ truyền thống cần sự quan tâm từ nhiều phía.

Tại khu vực ĐBSCL, đa số người dân có thu nhập thấp và phần đông dân số là nông dân nên thị trường nông thôn kênh mua sắm chủ yếu vẫn là chợ. Đây cũng được xem là thị trường tiềm năng và dễ tính. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn ít chú trọng đến thị trường này. Theo ông Phan Quý Tín, chuyên gia thị trường của Trung tâm nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), để hàng Việt tồn tại và phát triển ở chợ, cần phải có sự cộng sinh giữa các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp với tiểu thương. Cần có sự đồng thuận, cũng như thái độ nhìn nhận đối chất rõ ràng giữa hàng thật và hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Làm được như vậy tiểu thương mới có thể đồng thuận, ủng hộ và kinh doanh hàng Việt.

Việc thay đổi phong cách kinh doanh của các tiểu thương cũng là điều rất cần thiết để “đối mặt” trước sự cạnh tranh gay gắt giữa các kênh phân phối. Cô Trần Thị Mai, tiểu thương kinh doanh ở chợ Mỹ Bình, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, cho rằng: “Bản thân mỗi tiểu thương đều nhìn nhận có thể cạnh tranh với các kênh mua sắm hiện đại, để tồn tại thì phải thay đổi phong cách kinh doanh như tạo uy tín hàng hóa, tế nhị khi ứng xử với khách hàng... Về cách thức kinh doanh của tiểu thương, chuyên gia Phan Quý Tín nhấn mạnh: Để muốn thu hút và giữ khách hàng, các tiểu thương cần phải hiểu rằng “khách hàng là nguồn sống còn để tồn tại trong kinh doanh”. Trong đó, phải giữ được 60% doanh số ổn định từ 20% khách hàng thường xuyên. Tiểu thương cần xác định khách hàng là người tạo việc làm, trả lương và mọi sinh hoạt cho các tiểu thương và gia đình. Ngoài ra, khách hàng còn là người quảng cáo miễn phí và là người tạo niềm vui, hãnh diện cho chính các tiểu thương...

Nằm trong kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển mạnh thương hiệu Việt, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết: “Dự án đưa hàng Việt vào chợ truyền thống là dự án trọng điểm của Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao trong năm 2012 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối hàng hóa vào các chợ truyền thống - vốn được nhìn nhận là một kênh phân phối hàng hóa hiệu quả. Với cách làm mới này, đơn vị hỗ trợ sẽ kết nối huấn luyện, kết nối nhà sản xuất với tiểu thương cụ thể với các mặt hàng, cách thức tổ chức quảng bá hàng Việt tại các chợ, mở rộng thông tin truyền thông, thăm hỏi chăm sóc tiểu thương và khách hàng... Việc làm này, không chỉ hỗ trợ tốt nhất cho các tiểu thương trong kinh doanh mà còn cho các tiểu thương thấy được lợi ích mà ủng hộ hàng Việt”.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết