24/09/2011 - 21:26

Phát triển đô thị bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long được cảnh báo sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH) trong tương lai, nhất là tình trạng nước biển dâng dẫn đến nguy cơ nhiều diện tích trong vùng bị ngập. Các nhà khoa học cho rằng, trong quá trình phát triển đô thị, các địa phương trong vùng nên có kế hoạch thích ứng với BĐKH, cũng như đối phó với nước biển dâng…

Khi xây dựng Khu đô thị Nam Cần Thơ nhà thiết kế đã tính đến phương án BĐKH, cao độ san lấp mặt bằng cao.
Trong ảnh: Một khu dân cư ở Khu đô thị Nam Cần Thơ.  

Tại Hội thảo Quốc tế lần II chủ đề “Phát triển đô thị bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam” vừa diễn ra tại Trường Đại học Trà Vinh, theo các nhà khoa học, BĐKH đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của nước biển dâng... Giáo sư Darryn McEvoy, Giám đốc Chương trình Thích ứng BĐKH (Đại học Quốc tế RMIT), có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu về BĐKH, nhất là trong lĩnh vực môi trường đô thị, phân tích: trong BĐKH cần nghĩ đến 3 yếu tố: hiểm họa thiên nhiên (lũ lụt, hạn hán, cháy rừng...), sự tiếp xúc của người dân với hiểm họa, tác động ảnh hưởng đến người dân. Cần phải tìm cách giảm thiểu tác hại do BĐKH gây ra. Trong trường hợp không “tránh” được thì phải thích ứng với BĐKH (sống chung với BĐKH). Cần phải nghĩ BĐKH xảy ra trong hiện tại và tương lai, để tìm cách thích ứng với nó. Thích ứng BĐKH quan trọng nhưng không đơn giản. Nếu chúng ta có kiến thức về BĐKH, từ đó hoạch định các chính sách trong tương lai có thể giảm thiểu được thiệt hại do BĐKH gây ra...

Tiến sĩ Nigel Downes và Tiến sĩ Harry Storch, Trường Đại học Kỹ thuật Brandenburg-Cottbus (CHLB Đức), đã có nghiên cứu về phát triển đô thị và thích ứng BĐKH ở TP Hồ Chí Minh. Theo hai tiến sĩ, để thích ứng BĐKH cần phải biết được nguy cơ BĐKH, xem xét lại hệ thống đô thị, từ đó có phương án giảm thiểu tiếp xúc với nguy cơ BĐKH. Cấu trúc hệ thống đô thị khá phức tạp, cần phải thu thập các dữ liệu khác nhau để tái cấu trúc đô thị cho phù hợp với BĐKH. Đô thị TP Hồ Chí Minh có cấu trúc đa dạng như: nhà phố, nhà liền kề, biệt thự, căn hộ... Các dạng nhà khác nhau, khả năng chống chịu và thích ứng BĐKH khác nhau, nhất là chống chịu với tình trạng ngập lũ. TP Hồ Chí Minh có khoảng 60% diện tích nằm dưới mực nước biển nên có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng của BĐKH nhất...

ĐBSCL là vùng đất thấp, ngoài nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng, lâu nay khu vực này còn chịu ảnh hưởng của nước lũ và triều cường dâng cao. Riêng tại TP Cần Thơ, thời gian qua, thành phố rất coi trọng phát triển đô thị kết hợp ứng phó với BĐKH. Theo đó, thành phố đã tập trung nâng cấp khu đô thị trung tâm (khu đô thị cũ), triển khai Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ, do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự án này đã thực hiện hoàn thành giai đoạn 1 với hàng loạt con hẻm ở quận Ninh Kiều đã được nâng cấp xong, mặt đường rộng, nền đường cao ráo và có hệ thống thoát nước đồng bộ... Ngoài ra, hạng mục cải tạo Hồ Xáng Thổi thuộc giai đoạn 1 của dự án cũng đã đưa vào sử dụng, góp phần phục vụ điều tiết nước, cũng như tiêu thoát nước cho khu vực đô thị trung tâm thành phố... Hiện thành phố đang thực hiện giai đoạn 2 của dự án này, dự kiến sẽ có thêm nhiều con hẻm, hệ thống thoát nước... được nâng cấp hoàn chỉnh trong thời gian tới... Ngoài ra, thời gian qua, khi phê duyệt quy hoạch cũng như triển khai xây dựng các khu đô thị mới, khu dân cư mới, thành phố luôn quy định cao độ san lấp tối thiểu 2,5m (hệ cao độ quốc gia Hòn Dấu) để đề phòng ngập lụt và nước biển dâng sau này...

Để ứng phó với BĐKH trong phát triển đô thị bền vững, theo các nhà khoa học, các địa phương nên có sự phối hợp chặt chẽ. Nhất là hợp tác xây dựng hệ thống thủy lợi ứng phó với tình trạng nước biển dâng ở khu vực TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL. Theo các nhà khoa học, phát triển đô thị bền vững bao gồm nhiều yếu tố như: phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường... Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, cho rằng: “Đô thị phát triển bền vững là phải làm sao cho người dân đô thị sống thuận lợi và mang tính lâu dài. Để làm được điều này cần phải giải quyết tình trạng ô nhiễm trong các đô thị của các thành phố lớn và trung bình; giải quyết vấn đề nhà ở cho cư dân đô thị, đảm bảo không gian công cộng; tạo việc làm và đảm bảo thu nhập cho người dân đô thị...”. Ngoài ra, trong quá trình phát triển, mở rộng các đô thị cũng cần tính đến phương án ứng phó với BĐKH, nhất là đối với các khu vực đất thấp so với mực nước biển. Việt Nam có tỷ lệ đô thị hóa khoảng 30%, thấp so với trung bình của thế giới và châu Á (khoảng 40%), nhưng đang có tốc độ đô thị hóa nhanh nên vấn đề phát triển đô thị bền vững sẽ gặp không ít khó khăn thách thức...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết