Bài, ảnh: T.T
Các cấp Hội Nông dân (HND) thành phố luôn nỗ lực củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; khẳng định vai trò nòng cốt của Hội trong hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Qua đó, đã tập hợp nông dân vào tổ chức, có giải pháp hỗ trợ thiết thực giúp nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, góp phần đáp ứng xu hướng tiêu dùng tại thị trường nội địa và phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Ðại diện lãnh đạo HND TP Cần Thơ và VNPT Cần Thơ tổ chức lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2023-2028.
Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa
Với sự nhạy bén trong kinh doanh và cách làm sáng tạo trong sản xuất, ông Nguyễn Hoàng Thông ở xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, mạnh dạn chuyển dịch cây trồng đúng hướng và thu được lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng/năm. Trước khi trồng sầu riêng, 3ha vườn của ông Thông từng trồng cam mật, cóc, chuối và một phần trồng lúa. Tuy nhiên, giá của loại trái cây này bấp bênh, nên ông quyết định chuyển đổi cây trồng mới để có hiệu quả kinh tế, thu nhập bền vững. Năm 2016, ông Thông cải tạo vườn và trồng sầu riêng cho đến nay. Các giống sầu riêng được ông Thông trồng chủ yếu là Ri6 và Monthong. Ðây là những giống có năng suất cao và phẩm chất ngon, đầu ra ổn định.
Năm 2017, Tổ hợp tác (THT) sản xuất sầu riêng Tân Thới được thành lập, với diện tích 19,4ha và có 20 thành viên tham gia, do ông Thông làm Tổ trưởng. Năm 2018, THT sản xuất sầu riêng Tân Thới được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu Sầu riêng Tân Thới - Phong Ðiền. Năm 2019, THT được cấp giấy chứng nhận sản xuất sầu riêng theo quy trình VietGAP. Ðây là tín hiệu đáng mừng vì sầu riêng Tân Thới khẳng định được thương hiệu để vươn xa chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới.
THT sản xuất sầu riêng Tân Thới đang trồng theo quy trình VietGAP, sản phẩm sau khi thu hoạch không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng và bán được giá cao. Ông Nguyễn Văn Nhuận ở ấp Trường Tây, có 1ha sầu riêng trồng theo quy trình VietGAP, thu nhập ổn định 500-700 triệu đồng/năm và trở thành một trong những mô hình tiêu biểu chuyên canh cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Theo ông Nhuận, để trồng sầu riêng đạt hiệu quả cao, ngoài thực hành tốt kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, ông còn chủ động đầu tư hơn 50 triệu đồng làm hệ thống tưới tự động… Nhờ ứng dụng đồng bộ các biện pháp, vườn sầu riêng của ông Nhuận phát triển tốt, ít sâu bệnh và giảm được chi phí canh tác.
Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch HND thành phố, cho biết: “Trong xu thế hội nhập, nhu cầu thực phẩm sạch, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản, đăng ký mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc là rất quan trọng. Những năm qua, HND thành phố trực tiếp hỗ trợ hội viên, nông dân làm thủ tục đăng ký 34 nhãn hiệu; trong đó, có 21 nhãn hiệu được cấp giấy chứng nhận, 8 nhãn hiệu được cấp quyết định chấp nhận hợp lệ, 5 nhãn hiệu còn lại đang chờ các ngành chức năng thẩm định hồ sơ. Ðây là tiền đề để tiến tới phát triển sản phẩm OCOP”.
Tích cực hỗ trợ nông dân sản xuất
Nông dân Cần Thơ mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Ðể hỗ trợ nông dân, các cấp HND thành phố đã vận động, triển khai, hướng dẫn thực hiện tốt các phong trào thi đua của Hội; trong đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG)” được đông đảo hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng. Mô hình trồng nhãn Idor của ông Trần Văn Coi ở khu vực Long Hòa, phường Long Hưng, quận Ô Môn, là một trong những điểm sáng của phong trào. Mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Coi được HND thành phố và HND quận tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân SXKDG.
Với diện tích 1,5ha trồng nhãn Idor, ông Coi thu hoạch 25-30 tấn nhãn, bán được khoảng 600 triệu đồng/năm. Có được những thành quả trên là nhờ ông Coi chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, biết ứng dụng khoa học vào sản xuất. Năm 2014, ông Coi có dịp tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả do HND quận tổ chức. Qua đó, ông Coi đốn bỏ 3 công nhãn da bò kém hiệu quả để trồng nhãn Idor. Sau khi trồng, ông Coi tiếp tục đi tham quan học hỏi kinh nghiệm của các nhà vườn và tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc nhãn để ứng dụng vào vườn nhãn của gia đình. Ông Coi chia sẻ: “Khi cây nhãn Idor ra đọt non, phải phun thuốc sâu nhằm hạn chế sâu, rầy tấn công. Bên cạnh đó, phải bón phân theo định kỳ để cây tốt, kháng được bệnh”. Với cách làm này, vườn nhãn ông Coi phát triển xanh tốt. Thấy mô hình trồng nhãn Idor cho hiệu quả, năm 2016, ông Coi quyết định đốn bỏ 1,2ha vườn nhãn da bò còn lại để tiếp tục trồng nhãn Idor. Ðến nay, 1,5ha nhãn của ông Coi đã cho thu hoạch ổn định với năng suất 25-30 tấn/năm.
Ông Nguyễn Văn Nhuận điều khiển hệ thống tưới nước tự động để giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Ðể phong trào thi đua SXKDG đạt hiệu quả cao, các cấp HND thành phố phối hợp tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Trong giai đoạn 2018-2023, các cấp HND thành phố phối hợp tổ chức 12.540 cuộc tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 376.229 lượt hộ nông dân; 6.041 cuộc hội thảo đầu bờ, tham quan mô hình, có 201.513 lượt người tham gia. Ngoài ra, các cấp HND thành phố vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố hơn 21 tỉ đồng, nâng tổng nguồn vốn hơn 41 tỉ đồng. Hiện nay, các cấp Hội cho vay tại 195 dự án, với 1.958 hộ hội viên nông dân. Giai đoạn 2018-2023, thành phố có 295.718 lượt nông dân đăng ký thi đua SXKDG. Qua bình xét, trung bình mỗi năm có hơn 47.000 nông dân đạt danh hiệu SXKDG các cấp.
Bên cạnh đó, những năm qua, HND thành phố phối hợp Bưu điện thành phố, Viettel Cần Thơ hỗ trợ nông dân đưa 10 sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart. Các cấp HND thành phố chủ động tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP; giới thiệu đặc sản của vùng tại các hội nghị, hội thảo; ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2023-2028; phối hợp ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng chỉ dẫn địa lý trong quảng bá sản phẩm nông sản...
Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch HND thành phố, cho biết: “Các cấp HND thành phố chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời hỗ trợ nông dân trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế hàng hóa, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Trong đó, tiếp tục phối hợp ngành nông nghiệp và các ngành hữu quan thành phố tăng cường hoạt động hỗ trợ về vốn cũng như chuyển giao tập huấn kỹ thuật cho nông dân; hình thành các vùng kinh tế sản xuất hàng hóa tập trung, cung cấp các loại nông sản có chất lượng, có năng lực cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, triển khai hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, từng bước hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch gắn với tiềm năng và lợi thế của địa phương”.