13/10/2020 - 08:30

Phát hiện mới về “tuổi thọ” của SARS-CoV-2 

Trong báo cáo ngày 12-10, các nhà khoa học Úc nhấn mạnh SARS-CoV-2 gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể sống trên bề mặt tờ tiền, thủy tinh và thép không gỉ lên tới 28 ngày.

SARS-CoV-2 có thể sống sót trên tiền mặt lâu hơn nhiều so với virus gây bệnh cúm. Ảnh: Reuters

Qua các thí nghiệm, nhóm nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (CSIRO) nhận thấy ở nhiệt độ 20 độ C, SARS-CoV-2 vẫn có thể lây nhiễm trong vòng 4 tuần liên tiếp trên các bề mặt nhẵn như tiền nhựa và màn hình điện thoại. Trong khi đó, virus gây cúm A chỉ duy trì được 17 ngày trên các bề mặt. Các thí nghiệm cũng chỉ ra thời gian tồn tại của SARS-CoV-2 giảm khi nhiệt độ tăng. “Xác định được thời gian SARS-CoV-2 có thể sống trên các bề mặt sẽ giúp chúng ta phán đoán chính xác hơn và giảm thiểu sự lây lan của virus, qua đó thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ mọi người”, Giám đốc điều hành CSIRO Larry Marshall nói rõ.

Lượng prôtêin và chất béo trong dịch cơ thể cũng được cho làm tăng đáng kể thời gian sống sót của SARS-CoV-2 . Nghiên cứu mới có thể giúp giải thích sự tồn tại và lây lan của virus đáng sợ này trong môi trường mát mẻ có chứa lượng lipid hoặc prôtêin cao, chẳng hạn như các cơ sở chế biến thịt.

Báo cáo trên được công bố chỉ vài ngày sau khi Ðại học Y khoa Kyoto (Nhật Bản) xác định SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên da người trong 9 giờ, thậm chí lên tới 11 giờ. Ðược biết, virus cúm A chỉ tồn tại trên da người khoảng 2 giờ.

Khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát, các nhà khoa học Mỹ từng cho rằng nCoV có thể tồn tại trên bề mặt bằng đồng 4 giờ, bìa cứng 24 giờ, nhựa và thép không gỉ 3 ngày. Hồi tháng 3 năm nay, Viện Y tế Quốc gia cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã công bố nghiên cứu chứng minh virus Corona chủng mới có thể lơ lửng trong những giọt nhỏ hơn 5 micromet lên tới 3 giờ trước khi trôi và lắng xuống bề mặt bên dưới, rồi tiếp tục tồn tại trong nhiều giờ.

Gần đây, CDC lại thừa nhận virus Corona chủng mới có thể lây lan qua các hạt không khí và tồn tại trong không khí vài phút hoặc thậm chí nhiều giờ. Hướng dẫn mới nhất trích dẫn các báo cáo cho thấy những người nhiễm COVID-19 bị mắc bệnh dù cách xa nguồn lây khoảng 2m, khoảng cách được cho là an toàn. Theo CDC, các trường hợp này lây lan trong môi trường kín hoặc thông gió kém, thường liên quan đến các hoạt động phải thở mạnh như hát, tập thể dục. Dù thừa nhận khả năng lây lan qua không khí nhưng CDC vẫn cho rằng việc lây nhiễm phổ biến là do tiếp xúc gần.

Trở lại với kết quả nghiên cứu của Úc, các chuyên gia tin rằng ngoài khả năng lây nhiễm cao khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19, con người vẫn có thể bị nhiễm bệnh nếu chạm vào bề mặt chứa SARS-CoV-2 và có khả năng nuốt phải virus này. Do đó, chúng ta cần thường xuyên sử dụng khăn lau và dung dịch rửa tay tẩy trùng, hạn chế chạm vào các bề mặt. Vệ sinh tay đúng cách được cho rất quan trọng trong việc ngăn ngừa sự lây lan của SARS-CoV-2. Theo Ðại học Y khoa Kyoto, SARS-CoV-2 và virus cúm A đều bị tiêu diệt hoàn toàn chỉ 15 giây sau khi sử dụng nước sát khuẩn tay chứa 80% cồn ethanol.

►Thuốc điều trị COVID-19  của Hong Kong cho kết quả hứa hẹn

Ngày 12-10, các nhà khoa học tại Hong Kong (Trung Quốc) cho biết một loại thuốc kháng khuẩn thường dùng trong điều trị viêm loét dạ dày đã cho thấy kết quả hứa hẹn trong chống lại SARS-CoV-2 trên động vật.

Trong công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Microbiology, các nhà khoa học Hong Kong đã tìm hiểu khả năng các loại thuốc có chứa thành phần là bạch kim, vàng và bạc (còn gọi là thuốc kim loại - metallodrug) có thể kháng SARS-CoV-2 hay không. Qua thử nghiệm trên chuột lang, các nhà khoa học phát hiện thấy một trong những loại thuốc kim loại là ranitidine bismuth citrate (RBC), là “tác nhân kháng SARS-CoV-2 tiềm năng”. Chuyên gia Runming Wang tại Ðại học Hong Kong cho biết thuốc RBC có thể làm giảm 10 lần nồng độ virus trong phổi của chuột lang bị nhiễm bệnh.

Theo các nhà khoa học Hong Kong, RBC là loại thuốc giá rẻ, được sử dụng an toàn và hiệu quả trong điều trị viêm loét dạ dày trong hàng thập kỷ qua.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết