14/01/2024 - 10:56

Phát hiện 5 dạng khác nhau của bệnh Alzheimer 

Các nhà khoa học Hà Lan vừa xác định được 5 dạng khác nhau của chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer) và điều này có thể giúp giải thích tại sao một số loại thuốc dường như không phát huy hiệu quả điều trị.

Ảnh: The Conversation

Bệnh Alzheimer - nguyên nhân hàng đầu gây mất trí nhớ, là một bệnh tiến triển của bộ não. Khi mắc bệnh, tình trạng tích tụ các prôtêin bất thường trong bộ não khiến các tế bào thần kinh chết dần đi, từ đó khiến bệnh nhân mất dần chức năng nhận thức như trí nhớ, khả năng định hướng, suy nghĩ và lập luận. Thông thường, bệnh nhân Alzheimer sống được từ 5-7 năm sau khi chẩn đoán, chỉ một số người có thể sống thêm 10-15 năm. Mặc dù bệnh tiến triển chậm, nhưng bệnh này đến nay vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm và bệnh nhân Alzheimer cần được chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng khi bệnh tiến triển nặng hơn.

Trong nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Nature Aging, các chuyên gia đến từ Trung tâm Alzheimer Amsterdam, Đại học Amsterdam và Đại học Maastricht đã phân tích hồ sơ của 419 bệnh nhân Alzheimer. Họ thu thập dịch não tủy tại phần mô xung quanh bộ não và tủy sống của người bệnh để kiểm tra 1.058 prôtêin khác nhau. Sau khi so sánh kết quả giữa các nhóm đối tượng, xác định được 5 loại Alzheimer phụ khác nhau, với đặc điểm tiến triển và triển vọng tuổi thọ bệnh nhân khác nhau.

Cụ thể, loại Alzheimer phụ đầu tiên có đặc điểm là gây ra mức tăng trưởng tế bào não cao bất thường, thúc đẩy việc sản xuất các prôtêin bất thường gây ra bệnh Alzheimer. Bệnh nhân nhóm này có tuổi thọ trung bình cao nhất so với 4 loại phụ khác - sống được gần 9 năm sau khi chẩn đoán. Phương pháp điều trị tốt nhất là điều trị bằng kháng thể.

Loại phụ thứ hai được thúc đẩy bởi sự phản ứng quá nhanh của hệ miễn dịch bên trong não, gây nhiều tổn thương nghiêm trọng cho bộ não. Phương pháp điều trị tốt nhất là ức chế hệ miễn dịch. Còn loại Alzheimer phụ thứ ba liên quan đến các vấn đề về sản xuất prôtêin của não, với việc các prôtêin riêng biệt của não pha trộn với các loại prôtêin khác. Phương pháp điều trị tốt nhất là dùng thuốc khôi phục chức năng RNA.

Loại Alzheimer phụ thứ tư có liên quan đến các vấn đề về rối loạn chức năng của các mạch máu não. Loại này dẫn tới tình trạng phát triển tế bào não chậm hơn, trong khi các prôtêin liên quan đến tế bào miễn dịch chiếm tỷ lệ lớn hơn. Phương pháp điều trị tốt nhất là dùng thuốc ức chế một loại tế bào máu trắng. Còn loại Alzheimer phụ thứ năm gây ra tổn thương hàng rào máu - não, gây ra nhiều vụ vi xuất huyết não và cũng khiến tế bào não phát triển chậm hơn. Phương pháp điều trị tốt nhất là dùng thuốc mạch máu.

Dựa trên kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) bộ não, nhóm nghiên cứu nhận thấy những bệnh nhân mắc loại Alzheimer phụ thứ hai và thứ tư bị teo não nhiều nhất - khi tình trạng não mất tế bào thần kinh diễn ra dẫn đến các vấn đề về suy nghĩ và trí nhớ. Nhưng nhóm bệnh nhân mắc Alzheimer phụ thứ ba có tiến triển bệnh nặng nhất, trung bình chỉ sống thêm 5 năm rưỡi sau khi chẩn đoán. 

Theo các tác giả, phát hiện mới giúp lý giải tại sao một số loại thuốc Alzheimer được thử nghiệm trước đây lại thất bại hoặc hoạt động kém hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng, mặc dù đã có kết quả đầy hứa hẹn trong phòng thí nghiệm. Họ đưa ra giả thuyết cho rằng vì mỗi loại Alzheimer có nguyên nhân và cách tích tụ prôtêin bất thường khác nhau, nên thuốc chỉ có thể có tác dụng trên một số loại hoặc một nhóm bệnh nhân. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc mà còn ảnh hưởng đến độ an toàn, vì các loại thuốc khác nhau có thể tương tác nguy hiểm với một số phân nhóm bệnh Alzheimer. Ví dụ, trong khi các kháng thể có thể dễ dàng vượt qua hàng rào máu não ở loại Alzheimer thứ 5 hơn, nhưng những bệnh nhân nhóm này có nguy cơ cao bị xuất huyết não khi điều trị bằng kháng thể.

Vì vậy, nghiên cứu mới nhấn mạnh sự cần thiết của việc cá nhân hóa cách thức điều trị cho bệnh nhân Alzheimer, nhằm tạo ra các phương pháp chữa trị nhắm đích có thể tăng hiệu quả chữa trị và giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ.

AN NHIÊN (Theo Daily Mail)

 

Chia sẻ bài viết