12/11/2020 - 21:52

Palau hướng đến mục tiêu carbon trung tính 

Cộng hòa Palau - một quần đảo gồm gần 500 hòn đảo nhỏ nằm ở phía Tây Thái Bình Dương - đang triển khai dự án biến quốc gia này trở thành điểm đến du lịch carbon trung tính đầu tiên trên thế giới.

Quần đảo Palau nhìn từ trên cao. Ảnh: Lonely Planet

Quần đảo Palau nhìn từ trên cao. Ảnh: Lonely Planet

Được phát động hồi tháng 8, dự án nói trên là sự hợp tác giữa Cục Du lịch Palau và hai tổ chức Sustainable Travel International và Slow Food International. Mục tiêu đặt ra là giảm lượng khí thải carbon sinh ra từ trong nước và khu vực du lịch nước ngoài, song song với việc tăng cường sản xuất thực phẩm có nguồn gốc địa phương và bền vững.

Palau là một trong những điểm đến du lịch biển hàng đầu thế giới. Năm ngoái, quốc đảo chỉ có hơn 22.000 dân này đã đón tiếp hơn 89.000 du khách quốc tế. Ngành công nghiệp không khói là nguồn thu nhập chính và tạo công ăn việc làm cho cả đảo, đóng góp 67 triệu USD - tương đương 47% GDP. Mặc dù đóng vai trò quan trọng đối với sinh kế của người dân, nhưng du lịch cũng là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu tại Palau. Lý do là để đến được quốc đảo này, du khách quốc tế chỉ có một phương thức di chuyển duy nhất là dùng máy bay và họ có xu hướng tiêu thụ thực phẩm nhập khẩu trong thời gian lưu trú tại đây.

Trong khi đó, do có 25% diện tích đất cao hơn mực nước biển chưa đầy 10m, Palau dễ gặp nguy hiểm vì tình trạng mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.

Cụ thể, dự án sẽ làm giảm lượng khí thải carbon vì du lịch bằng cách tăng tỷ lệ thực phẩm có nguồn gốc địa phương. Phương thức thực hiện là nâng cao năng lực của nông dân và ngư dân để tiếp thị sản phẩm nội địa tới du khách. Ngoài việc góp phần chống biến đổi khí hậu, điều này cũng giúp tạo cơ hội thu nhập cho người dân và tăng cường an ninh lương thực trên quần đảo. Dự án nhấn mạnh vào mục tiêu sản xuất bền vững và trao quyền tham gia vào chuỗi giá trị du lịch cho nhà sản xuất nữ.

Chính phủ Palau cũng sẽ phát triển một công cụ quản lý carbon mới cho khách du lịch. Công cụ hoạt động trực tuyến này cho phép du khách có thể tính toán và theo dõi lượng khí thải phát sinh từ việc đi lại và các hoạt động khác của họ tại Palau, sau đó đưa ra những lựa chọn để họ đền bù lại lượng khí thải nhà kính tạo ra. Những lựa chọn này bao gồm các sáng kiến “carbon xanh”, như phục hồi rừng ngập mặn hoặc các hoạt động sản xuất bền vững nhằm giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2). Các lựa chọn đền bù và công cụ quản lý carbon có thể giúp Palau huy động hơn 1 triệu USD/năm để hỗ trợ các sáng kiến giảm carbon.

Những năm gần đây, Palau đã tiến hành những bước đi quan trọng để hạn chế biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường tự nhiên. Nước này đã thành lập một trong những khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới và cấm các công ty lữ hành sử dụng sản phẩm xốp hoặc nhựa dùng một lần. Ngoài ra, du khách bị bắt buộc phải ký cam kết sinh thái và có nguy cơ bị phạt nặng nếu bị bắt gặp đang thu thập sinh vật biển làm đồ lưu niệm, vứt thức ăn cho cá, sờ vào san hô, xả rác bừa bãi…

BHUTAN - ĐẤT NƯỚC CARBON ÂM TÍNH

Trong khi nhiều quốc gia đang nỗ lực đạt được tình trạng carbon trung tính trong vài thập niên tới, Bhutan hiện là quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới âm tính với carbon - nghĩa là thu nạp nhiều khí CO2 hơn là phát thải. Theo số liệu từ Chính phủ Bhutan, quốc gia có khoảng 750.000 dân này loại bỏ gần gấp 3 lần lượng CO2 mà họ tạo ra.

Được biết, đất rừng bao phủ khoảng 70% diện tích của Bhutan và hoạt động như một bồn rửa carbon tự nhiên, giúp hấp thụ CO2. Hiến pháp quy định phải có ít nhất 60% tổng diện tích đất đai được phủ rừng trong mọi thời điểm. Hành động trồng cây cũng phổ biến ở nước này. Năm 2015, Bhutan lập Kỷ lục Guinness Thế giới bằng cách trồng gần 50.000 cây xanh chỉ trong một giờ. Bhutan thậm chí còn hạn chế số lượng du khách quốc tế bằng mức phí lên đến 250USD/ngày/người.

Đặc biệt, chính phủ chọn đo sự tiến bộ không phải bằng GDP mà bằng “Tổng hạnh phúc quốc dân” (GNH), đặt điểm nhấn vào việc bảo vệ môi trường thiên nhiên giàu có của đất nước. Do đó, Bhutan thường được nhắc đến như là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

NGUYỆT CÁT (Theo Globe Trender, Travelagentcentral.com)

Chia sẻ bài viết