14/07/2010 - 08:23

Pakistan và Trung Quốc củng cố quan hệ đồng minh

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (phải) đón Tổng thống Zardari tại Đại lễ đường Nhân dân ngày 7-7.
Ảnh: Reuters

Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari tuần qua đã có chuyến công du Trung Quốc lần thứ 5 kể từ khi lên nắm quyền năm 2008. Dù hai bên không có nhiều thỏa thuận hợp tác lớn, nhưng những vấn đề được thảo luận hứa hẹn sẽ đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Kết thúc chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày, ông Zardari mang về cho Pakistan gói viện trợ 7,4 triệu USD để phát triển các dự án mới, một thỏa thuận hợp tác kinh tế - kỹ thuật cùng 4 bản ghi nhớ hợp tác trên các lĩnh vực chăm sóc y tế, thăm dò địa chất, phát triển nông nghiệp và truyền thông. Kết quả đạt được như thế có thể nói là khiêm tốn.

Tuy nhiên, phái đoàn hai nước đã thảo luận một loạt dự án hợp tác có tính khả thi cao như dự án nâng cấp đường cao tốc Karakorum nối liền hai nước trị giá 500 triệu USD; hiện đại hóa hệ thống thương mại, giao thông và hậu cần; dự án đập thủy điện dẫn nước từ sông Neelam về sông Jhelum; dự án vệ tinh viễn thông... Trong cuộc gặp ông Zardari, chủ tịch Tập đoàn Đập Tam Hiệp của Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đầu tư phát triển thủy điện và các nguồn năng lượng khác tại Pakistan như dự án Kohala Hydel trị giá 2,6 tỉ USD, dự án Đập Bunji có tổng kinh phí 8 tỉ USD, hay hệ thống tua-bin gió có công suất 500 MW. Hiệp hội báo chí Pakistan cho biết tập đoàn này có thể đã đồng ý đầu tư hơn 100 tỉ USD vào các dự án thủy điện tại Pakistan. Theo một quan chức cấp cao Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương có thể tăng gấp đôi và đạt 15 tỉ USD vào năm 2015.

Đặc biệt, Tổng thống Zardari và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã thảo luận kế hoạch xây dựng một đường ray xe lửa dài khoảng 700 km đi từ khu vực Kashgar (tỉnh Tân Cương của Trung Quốc) đến cảng Gwadar ở Pakistan. Dự án này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng thị trường hàng hóa giá rẻ của mình, đồng thời nhập khẩu trở lại nguồn dầu thô dồi dào ở Trung Đông và châu Phi qua Biển A-rập, thay vì qua Ấn Độ Dương và Eo biển Malacca - nơi có nhiều rủi ro an ninh, nhất là nguy cơ hải tặc và xảy ra xung đột quân sự (hiện nay, đây là con đường huyết mạch vận chuyển 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc). Hàng hóa xuất nhập khẩu qua Pakistan sẽ rất tiện lợi, vì cảng Gwadar được khánh thành năm 2008 là nhờ sự hỗ trợ và đầu tư vốn của Trung Quốc.

Thật ra, dự án đường sắt chiến lược này đã được công bố lần đầu tiên vào năm 2004, nhưng qua nghiên cứu tiền khả thi cho thấy việc xây dựng không thật dễ dàng và rất tốn kém (nằm ở độ cao 5.000 mét so với mặt nước biển). Mặt khác, Ấn Độ phản đối dự án vì cho rằng nó đi qua khu vực Kashmir đang tranh chấp với Pakistan. New Delhi còn lo ngại đây là con đường để Bắc Kinh triển khai quân sự đến các vùng biên giới giáp Ấn Độ.

Theo các nhà phân tích, nhiều dự án hợp tác đầy tiềm năng trên có thể được hai bên ký kết vào năm tới nhân lễ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia Nam Á này sẽ rất lớn và quan trọng hơn mối quan hệ Mỹ- Pakistan, vốn phát triển vì nhu cầu của nhau trong cuộc chiến chống khủng bố. “Từ 5-6 năm nữa, mối quan hệ Trung Quốc-Pakistan sẽ nặng ký hơn Mỹ-Pakistan, đặc biệt bởi vì Trung Quốc đang sẵn sàng đầu tư vào các lĩnh vực ngoài quân sự”, Rohit Honawar - nhà phân tích người Pakistan làm việc cho Nhóm Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ) - nhận định.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (phải) đón Tổng thống Zardari tại Đại lễ đường Nhân dân ngày 7-7. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết