Dự trữ ngoại hối giảm, giá lương thực tăng cao trong khi đồng rupee trượt dốc, Pakistan được cho đang “nối gót” Sri Lanka, tiến tới tình trạng phá sản trong bối cảnh nền chính trị nước này rơi vào bất ổn khi Thủ tướng bị phế truất Imran Khan đe dọa phát động các cuộc biểu tình ở thủ đô Islamabad.
Những người ủng hộ Thủ tướng bị phế truất Imran Khan xuống đường biểu tình hôm 10-4. Ảnh: AP
Theo tờ Asia Times, dự trữ ngoại hối của Pakistan giảm mạnh, giá lương thực tăng trong khi đồng rupee trượt giá, giảm tới 21,72% giá trị. Ước tính cho thấy, giá lương thực đã “đội” lên tới 17%, tàn phá cuộc sống của những người nghèo và tầng lớp trung lưu. Giới phân tích lo ngại rằng làn sóng lạm phát mới sẽ xảy ra khi chính phủ rút lại các khoản trợ cấp nhiên liệu.
“Áp lực lên đồng rupee đang gia tăng do dòng vốn đầu tư vào đồng USD giảm và thiếu sự hỗ trợ từ các quốc gia thân thiện như Trung Quốc, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Sự chậm trễ trong việc hồi sinh gói cứu trợ trị giá 6 tỉ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng làm giảm mạnh lượng dự trữ ngoại hối của Pakistan” - Farrukh Saleem, nhà khoa học chính trị, kinh tế tài chính người Pakistan, nói với Asia Times. Ông Farrukh cho hay đồng rupee đang ở mức thấp kỷ lục so với đồng USD.
Trong khi đó, Sàn giao dịch chứng khoán Pakistan (PSX) đã giảm thêm 900 điểm, thị trường tài chính sụp đổ, niềm tin của nhà đầu tư đang bị xói mòn và Ngân hàng Nhà nước Pakistan (SBP) chỉ còn lại 10,44 tỉ USD, gồm 6 tỉ USD tiền vay từ Trung Quốc, Saudi Arabia và UAE. Đáng lo ngại, tính đến ngày 6-5, dự trữ ròng của SBP không bao gồm tiền gửi ngân hàng tư nhân chỉ là 10,3 tỉ USD, không đủ để thanh toán hóa đơn của 4 tuần nhập khẩu.
Thâm hụt tài khoản vãng lai của Pakistan gần như tăng gấp đôi vào tháng 3, nâng tổng chênh lệch trong 9 tháng đầu của năm tài chính hiện tại (từ tháng 7 năm ngoái đến tháng 3 năm nay) lên hơn 13 tỉ USD. Dữ liệu do SBP tổng hợp cho thấy nhập khẩu của Pakistan tăng 41,3% trong giai đoạn này và tổng giá trị nhập khẩu là 62,137 tỉ USD so với tổng giá trị xuất khẩu là 28,855 tỉ USD. Với mức thâm hụt như vậy, Pakistan có khả năng rơi vào khủng hoảng cán cân thanh toán trong những tháng tới.
Dẫu vậy, chính quyền mới của Thủ tướng Shehbaz Sharif đã không nhận được bất kỳ sự cứu trợ nào. Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa thực hiện cam kết cấp lại các khoản vay trị giá 4 tỉ USD mà Pakistan đã hoàn trả vào cuối tháng 3.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia và nhà phân tích kinh tế yêu cầu chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp về tài chính để đối phó với những thách thức kinh tế đang rình rập. Họ đề nghị chính phủ thu hồi các khoản miễn thuế dành cho khu vực doanh nghiệp trị giá 800 tỉ rupee (tương đương 4,1 tỉ USD) và đánh thuế cao hơn đối với chủ sở hữu đất đai và tài sản. Không những vậy, họ muốn chính phủ cắt giảm chi tiêu quốc phòng phi chiến đấu, áp thuế khẩn cấp đặc biệt đối với xe có động cơ từ 1.600 phân khối trở lên, tăng gấp đôi giá điện đối với các khu dân cư có diện tích từ 667 mét vuông trở lên và giảm quy mô các cơ quan chính phủ liên bang.
Thế nhưng, trong khi hoạt động kinh tế chậm lại, sức nóng chính trị ngày càng tăng. Cựu Thủ tướng Imran Khan, người bị cách chức hồi tháng trước, đã lôi kéo đám đông, xúi giục quần chúng nổi dậy chống lại “quyền bá chủ và vai trò thông đồng của Mỹ” trong việc thay đổi chế độ dân chủ của ông bằng “các phương tiện phi dân chủ và vi hiến”.
Được biết, ông Khan lên nắm quyền hồi năm 2018 trong cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi mà giới phê bình cho rằng đã bị Cơ quan tình báo quân đội (ISI) của Pakistan theo dõi và thao túng. Ông này cho rằng lực lượng quân đội Pakistan hùng mạnh vốn có quan hệ mật thiết với ông đã không hỗ trợ ông đập tan âm mưu của kẻ thù ở nước ngoài và tại địa phương.
TRÍ VĂN