18/07/2025 - 15:47

“Điều ước cuối cùng” - cười để nhớ! 

Bộ phim hài “Ðiều ước cuối cùng” đề cập đến những nỗi niềm sâu kín của tuổi mới lớn một cách khéo léo, hài hước, mang lại tiếng cười cho khán giả. Ðằng sau đó là những khoảng lặng, suy ngẫm về một tình bạn tuy ồn ào, nhí nhố nhưng rất đẹp, chân thành; nhớ về tình cảm của cha mẹ dành cho con cái, tuy khác nhau về cách thể hiện nhưng cùng chung một tình yêu thương vô bờ bến.

Phim đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Nội dung phim xoay quanh 3 nhân vật: Hoàng (Avin Lu), Long (Lý Hạo Mạnh Quỳnh) và Thy (Hoàng Hà) - nhóm bạn thân từ nhỏ đến lớn. Không ngờ, Hoàng nằm liệt một chỗ do mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) và chỉ còn vài tháng để sống. Vào sinh nhật 18 tuổi, Hoàng thổ lộ với 2 đứa bạn thân về điều ước cuối cùng của mình: muốn được trở thành đàn ông, được nếm trải “trái cấm” trước khi qua đời. Vì muốn giúp Hoàng không phải tiếc nuối, Thy và Long bằng mọi cách giúp bạn thực hiện tâm nguyện ấy. Tuy nhiên, họ gặp phải đủ tình huống trớ trêu, rắc rối, dở khóc dở cười…

Là bản làm lại từ phim “The Last Ride” của Hàn Quốc (2016), phim có kịch bản nền chắc tay và thú vị. Tuy nhiên, bài toán khi Việt hóa các phim nổi tiếng nước ngoài chưa bao giờ đơn giản. May mắn thay, “Ðiều ước cuối cùng” đã làm tốt khâu này, mang đến một bộ phim hài ấm áp và ý nghĩa.

So với bản gốc, phim có thay đổi khi nhóm bạn từ 3 nam chuyển thành 2 nam, 1 nữ để khai thác được nhiều khía cạnh và tăng chiều sâu tâm lý. Các tình huống hài cũng được chuyển thể cho phù hợp với bối cảnh, văn hóa của Việt Nam. Quan trọng nhất, phim vẫn giữ được tinh thần của tác phẩm gốc về tình bạn, tình thân gia đình một cách chân thành, cảm động.

Khán giả cười nghiêng ngả trước những chiêu trò, kế hoạch của Long và Thy khi tìm người giúp Hoàng thực hiện tâm nguyện trước khi rời xa cõi tạm, nhưng tất cả đều thất bại. Thất bại bởi họ quá ngây ngô, cách tiếp cận và thuyết phục đối phương đơn giản, trực diện khiến họ nhận về hậu quả te tua. Chưa kể, họ còn phải đối phó, giấu diếm với cha mẹ Hoàng và cha mẹ mình khiến tình huống càng oái oăm, éo le…

Khoảng cách thế hệ trong các gia đình Việt cũng là một vấn đề được lồng ghép và xử lý khéo léo trong phim này. Ngoài việc giấu cha mẹ và lén lút thực hiện điều ước của Hoàng, phim còn khắc họa sự khác biệt trong suy nghĩ của cha mẹ và con cái, cách dạy dỗ, yêu thương của mỗi gia đình. Gia đình Thy thiếu cha, gia đình Long thiếu mẹ, Hoàng có đủ cha mẹ nhưng cả 3 gia đình đều thiếu tiếng nói chung, sự thấu hiểu, cảm thông của 2 thế hệ.

Hoàn cảnh tạo nên tính cách và những nỗi niềm, khao khát của con trẻ. Thy là cô gái cá tính, bên ngoài mạnh mẽ, gai góc để mẹ yên tâm, nhưng sâu bên trong là những tự ti, những nỗi niềm khó chia sẻ cùng ai. Long nhiệt tình, vui vẻ nhưng luôn khao khát sự gần gũi và công nhận của cha. Hoàng được cha mẹ yêu thương, chăm sóc nhưng không dám thẳng thắn tâm sự, chia sẻ mà chỉ gắng gượng làm vui lòng họ…

Phim đặt 3 thanh niên trẻ vào ranh giới của sự mất mát và những va chạm đời thường để đi tìm câu trả lời: thế nào là được sống đúng nghĩa? Thế nào là tình thân thật sự? Những vấn đề khác như bắt nạt học đường, yêu đương tuổi học trò, đồng tính… cũng được đề cập nhẹ nhàng và được biến tấu thành những tình huống hài hước, vui vẻ. Các vấn đề được kết nối và kể chuyện liền mạch, nhịp nhàng, mang đến những cảm xúc đa chiều cho khán giả: lúc cười thả ga, khi xúc động, lúc cảm thông sâu sắc…

Phim có một cái kết nhẹ nhàng, ý nghĩa, khiến người ở lại và người ra đi đều thanh thản, không hối tiếc. Bởi tất cả các nhân vật dù chính hay phụ đều nhận ra điều gì cần phấn đấu, điều gì cần buông bỏ để sống tốt hơn hay ra đi không vướng bận. Diễn xuất của 3 diễn viên chính đều trọn vẹn, mang đến những sắc màu tươi trẻ, đáng nhớ cho người xem.

CÁT ÐẰNG

Chia sẻ bài viết