21/06/2019 - 19:36

Pakistan lập hơn 1.000 tòa án để ngăn bạo hành phụ nữ 

Chánh án Tòa án Tối cao Pakistan Asif Saeed Khosa cho biết nước này sẽ thành lập hơn 1.000 tòa án để đẩy lùi nạn bạo hành phụ nữ, tình trạng mà các nhà hoạt động cho là do hệ thống tư pháp lâu nay buông lỏng.

Cụ thể, ông Khosa khẳng định sẽ lập ra 1.016 tòa án xét xử các vụ bạo hành trên khắp Pakistan, mỗi quận có một cơ quan như thế. Theo đó, các tòa án đặc biệt này là nơi để các nạn nhân lên tiếng tố cáo hung thủ mà không phải lo sợ bị trả thù. Tòa án mới sẽ hoạt động tại các tòa hiện hành, nhưng tổ chức xét xử tách biệt với các vụ khác để nguyên đơn có thể khai báo một cách tự tin. Năm 2017, một tòa án thí điểm từng được mở tại Punjab, tỉnh đông dân nhất của quốc gia Hồi giáo nằm ở khu vực Nam Á này.

Các nạn nhân từng bị tấn công bằng axít tham gia cuộc tuần hành ở thủ đô Islamabad nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay. Ảnh: AFP

Pakistan xảy ra hàng ngàn vụ bạo hành phụ nữ và bé gái mỗi năm, từ hiếp dâm, tạt axít cho đến tấn công tình dục, bắt cóc, ép kết hôn và “giết người vì danh dự”. Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) nói bạo hành phụ nữ tại Pakistan hiện vẫn là “vấn đề nhức nhối”. Còn trong báo cáo hồi năm ngoái, Ủy ban Nhân quyền Pakistan cho biết đã xảy ra ít nhất 845 vụ tấn công tình dục phụ nữ và 316 vụ phạm tội đối với cả nam lẫn nữ liên quan đến “danh dự” ở nước này, nhưng số nạn nhân có thể còn cao hơn bởi nhiều trường hợp không trình báo. Ủy ban này cho rằng phần lớn các vụ bạo hành phụ nữ đều không được trình báo, nhất là ở những vùng nông thôn. Do nghèo khó và xấu hổ nên các nạn nhân thường không thể cất lên tiếng nói của mình. Tháng rồi, HRW ban bố cảnh báo về vai trò của cảnh sát trong các vụ tấn công tình dục, trong đó chính các sĩ quan này phạm tội và quấy rối/đe dọa những người tố cáo. Thật ra, bất bình đẳng giới không chỉ len lỏi trong xã hội Pakistan mà còn cả giới cảnh sát và tư pháp. Đây là yếu tố chính khiến nhiều nạn nhân không mạnh miệng lên tiếng. Trong bối cảnh có rất ít trung tâm bảo trợ dành cho phụ nữ Pakistan, các nạn nhân thường không thể thoát được các trận bạo lực gia đình. Theo cuộc khảo sát hồi năm rồi của các chuyên gia, Pakistan đứng thứ sáu trên thế giới về mức độ nguy hiểm đối với phụ nữ. Còn trong danh sách những quốc gia bất bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Pakistan xếp hạng 148/149.

Theo nghiên cứu của HRW, ước tính có 20-30% phụ nữ ở Pakistan chịu đựng một hình thức ngược đãi nào đó. Đau lòng hơn, mỗi năm có khoảng 5.000 chị em thiệt mạng do bạo hành gia đình, cùng với hàng ngàn trường hợp khác bị thương tật. Phụ nữ bị tấn công dưới nhiều hình thức, từ khủng bố tinh thần cho đến hành hạ thể xác cũng như lạm dụng tình dục bởi chính chồng/người yêu.

Việc lập ra hàng ngàn tòa án kể trên cho thấy nỗ lực, dù khá muộn màng, của chính quyền Islamabad trong việc giải quyết nạn bạo hành phụ nữ cũng như đòi lại công lý cho nạn nhân.

THANH BÌNH (Theo Reuters, CNN)

Chia sẻ bài viết