24/08/2019 - 18:47

Thương chiến Mỹ-Trung leo thang

Ông Trump ví ông Tập như “kẻ thù” 

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo quyết định đáp trả mới nhất đối với Trung Quốc, đồng thời lần đầu tiên có ý gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là “kẻ thù”  và kêu gọi các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc.

Trong thông báo đăng trên Twitter sáng 24-8 (giờ Việt Nam), Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ nâng mức thuế từ 25% lên 30% nhằm vào số hàng hóa trị giá 250 tỉ USD của Trung Quốc từ ngày 1-10, đồng thời sẽ nâng mức thuế từ 10% lên 15% nhằm vào số hàng hóa Trung Quốc còn lại trị giá 300 tỉ USD từ ngày 1-9.

Tình bạn Trump-Tập đã đến hồi kết? Ảnh: Reuters

Phản ứng trên của ông Trump được đưa ra sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với 75 tỉ USD hàng hóa của Mỹ từ ngày 1-9. Theo đó,  sẽ có 5.078 mặt hàng của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó nông sản, dầu thô, máy bay cỡ nhỏ... sẽ phải chịu mức thuế bổ sung từ 5-10%. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ nối lại việc áp thuế bổ sung 25% hoặc 5% đối với ô tô và phụ tùng nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 15-12 tới.

Ai là kẻ thù lớn hơn?

Không chỉ “ăn miếng, trả miếng” thương mại, ông chủ Nhà Trắng  đã thể hiện sự giận dữ với Trung Quốc trên tài khoản Twitter. “Chúng ta không cần Trung Quốc và thật lòng sẽ tốt hơn nếu không có họ. Các công ty vĩ đại của chúng ta được lệnh ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm một sự thay thế đối với Trung Quốc, bao gồm quay trở về nhà” – dòng tweet của nhà lãnh đạo Mỹ.  

Đáng chú ý, dòng trạng thái ngắn gọn của Tổng thống Trump lần đầu tiên có ý mô tả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người mà ông nhiều lần gọi là “người bạn tốt”, như “kẻ thù”. “Câu hỏi duy nhất của tôi là, ai là kẻ thù lớn hơn của chúng ta, Jay Powel hay Chủ tịch Tập?”.  “Jay Powel” mà ông Trump đề cập nhưng thiếu nét chính là Jay Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang  (FED). Powell là người được ông Trump chỉ định giữ ghế lãnh đạo FED năm 2017 nhưng bị cáo buộc không chịu hạ lãi suất nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo yêu cầu từ Nhà Trắng. Theo luật, FED là cơ quan độc lập. Tuy nhiên, ông Trump cho rằng FED “rất yếu kém” và đã “không làm gì” để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Ông Trump đưa ra phản ứng  này ngay sau khi ông Powell có bài phát biểu tại  hội nghị kinh tế thường niên của FED, trong đó ông Powell nêu rõ nếu các cuộc cạnh tranh thương mại (ý nói đến thương chiến Mỹ-Trung) gây gián đoạn hoạt động đầu tư và làm suy giảm niềm tin và tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, FED sẽ không thể cải thiện tất cả những yếu tố này thông qua chính sách tiền tệ. Vả lại, ông Powell cho rằng nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục tăng trưởng tốt trên mọi mặt nên FED chỉ hành động ở thời điểm thích hợp. 

Riêng với Chủ tịch Tập, theo các nhà phân tích, việc ông Trump gián tiếp liên hệ nhà lãnh đạo Trung Quốc như “kẻ thù” là một thông điệp cảnh báo đối với Bắc Kinh do không lùi bước trong cuộc chiến thương mại giằng co với Washington.  Thực tế, thâm hụt thương mại quá lớn với Trung Quốc được ông Trump coi là mối đe dọa hiện hữu đối với việc làm và an ninh quốc gia Mỹ. Năm 2018, Mỹ nhập khẩu kỷ lục 539,5 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc và xuất khẩu ngược lại 120,3 tỉ USD, tức Mỹ nhập siêu lên đến 419,2 tỉ USD.  Không những thế, cũng trên Twitter hôm 23-8, ông Trump cáo buộc Trung Quốc “giết chết” 100.000 người Mỹ mỗi năm vì xuất khẩu thuốc giảm đau fentanyl và đánh cắp hàng trăm tỉ USD quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. 

Sức nóng lan sang thượng đỉnh G7

Sức nóng căng thẳng thương mại  giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới chắc chắn sẽ phủ bóng xuống hội nghị thượng đỉnh lần thứ 45 của Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) khai mạc tối 24-8 tại khu nghỉ dưỡng Biarritz trên bờ Đại Tây Dương của Pháp.  Không chỉ tuyên bố đánh thuế trả đũa Trung Quốc, Tổng thống Trump sáng 24-8 một lần nữa cũng dọa áp mức thuế lớn đối với rượu vang của Pháp trước kế hoạch đánh “thuế dịch vụ kỹ thuật số” của Paris nhằm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ. 

Tại thượng đỉnh G7 năm 2018 ở Canada,  chính sách đánh thuế nhôm và thép của ông Trump đối với các nước đồng minh cũng  gây căng thẳng, khiến giới bình luận mô tả hội nghị này là G6+1. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không muốn hội nghị G7 năm nay thất bại nên đưa ra các vấn đề ít tranh cãi hơn để thảo luận như dân chủ, bình đẳng giới, giáo dục và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại, thỏa thuận hạt nhân với Iran và quan hệ với Nga vẫn sẽ là chủ đề quan trọng và gây chia rẽ nhiều nhất.  Vì thế, tờ Telegraph dự báo đây sẽ là lần đầu tiên G7 không thể đưa ra tuyên bố chung kể từ khi nó còn là G5 năm 1975. Điều này đồng nghĩa G7 đang bị chia rẽ chưa từng thấy trong 45 năm lịch sử. 

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết