07/09/2009 - 09:30

Ông Hatoyama trước thách thức từ bên trong

Ông Ozawa (phải) có đe dọa quyền lực của tân Thủ tướng Hatoyama?
Ảnh: Reuters

Sau thắng lợi vang dội của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) trước đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền trong cuộc bầu cử ngày 30-8, chủ tịch đảng này Yukio Hatoyama sẽ được bầu làm thủ tướng vào ngày 16-9 tới. Hiện ông Hatoyama đang xúc tiến việc thành lập nội các. Thách thức của tân chính phủ Nhật Bản là làm sao đưa kinh tế thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai và dân số đang già đi nhanh chóng. Tuy nhiên, theo báo chí phương Tây và xứ Phù Tang, những khó khăn này có thể không thấm vào đâu so với “mối đe dọa” từ bên trong nội bộ DPJ.

Ngay sau chiến thắng của DPJ, ông Hatoyama lập tức tuyên bố đề cử ông Ichiro Ozawa, người đã từ chức chủ tịch DPJ hồi tháng 5 năm nay do bê bối trong việc gây quỹ, vào ghế tổng thư ký- vị trí số hai của đảng. Dĩ nhiên là ông Ozawa nhận lời. Với vai trò chiến lược gia của chiến dịch vận động tranh cử, ông Ozawa, 67 tuổi, được xem là có công đầu trong việc đưa DPJ từ vị trí đảng đối lập thành đảng cầm quyền. Mặc dù có thể không có chân trong nội các mới, nhưng theo hãng tin Mỹ AP, ảnh hưởng của ông Ozawa trên chính trường sẽ rất lớn, thậm chí hơn cả thủ tướng. “Ozawa có quyền lực lớn hơn nhiều. Ông ấy kiểm soát, mặc dù trên bề mặt Hatoyama là lãnh đạo”, nhà phân tích chính trị Minoru Morita nhận định. Ông Morita cùng một số cơ quan truyền thông tin rằng có thể Ozawa là người đề ra chính sách và chọn các bộ trưởng, còn ông Hatoyama chỉ có nhiệm vụ công bố mà thôi. Tờ Nikkei của Nhật hôm 5-9 cho biết trong Hạ viện khóa mới, số nghị sĩ “tâm phúc” của ông Ozawa là 120 (trong số này có hàng chục người được báo chí Nhật gọi là “những đứa con của Ozawa”), còn ông Hatoyama chỉ “nắm” được 45 người.

Dưới thời LDP, ảnh hưởng của đảng cầm quyền tách biệt với quyền lực của chính phủ. Nhưng tờ báo lớn nhất Nhật Bản Yomiuri lo ngại sắp tới đây, dưới sự lãnh đạo của ông Ozawa, DPJ sẽ tạo ra một trung tâm quyền lực khác làm suy yếu vai trò của thủ tướng. Ngoài ảnh hưởng lớn của ông Ozawa đối với các nghị sĩ, tính cách của chính trị gia kỳ cựu này cũng khiến người ta lo ngại. Hồi năm 1993, tức hai năm sau khi thôi chức tổng thư ký LDP, ông Ozawa từng cầm đầu 40 nghị sĩ khác ly khai, khiến LDP phải mất vai trò lãnh đạo đất nước. Gia nhập liên minh cầm quyền mới và dựng lên Thủ tướng Morihiro Hosokawa, nhưng chính ông lại là “kẻ phá bĩnh” khiến nó sụp đổ một năm sau đó, đưa LDP trở lại nắm quyền. Chính vì vậy mà Ozawa có biệt danh là “người môi giới quyền lực” hay “nhà tạo lập vua”.

Không biết có phải thấy trước sự lợi hại này hay không mà ông Hatoyama tỏ ra rất “chiều chuộng” người tiền nhiệm trong DPJ. Phát biểu khi đề cử ông Ozawa vào ghế tổng thư ký DPJ, ông Hatoyama khẳng định ông Ozama “sẽ tiếp tục giữ một vai trò trung tâm” và DPJ cần kinh nghiệm của ông ấy để chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện vào năm tới. Ông Ozawa cũng đáp lại một cách khiêm nhường rằng “sẽ theo mọi chỉ dẫn của Chủ tịch Hatoyama”.

Tờ The Times của Anh nhận định rằng ông Ozawa có thể là người bạn tốt nhất, nhưng cũng có thể là kẻ thù đáng sợ nhất đối với ông Hatoyama. Vấn đề nằm ở bản lĩnh của tân thủ tướng Nhật.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết