30/11/2020 - 22:17

Ông Biden trước áp lực phải cứng rắn với Trung Quốc 

Joe Biden sau ngày nhậm chức 20-1-2021 sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ Trung Quốc trong các vấn đề như Đài Loan, Biển Đông và Ấn Độ khi mà vị thế quân sự của Bắc Kinh đang mạnh mẽ hơn nhiều so với trước đây.

Ông Biden (trái) trong cuộc gặp hồi năm 2013 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Biden (trái) trong cuộc gặp hồi năm 2013 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.​

Cách nay 12 năm, Trung Quốc lần đầu tiên cử hải quân tham gia lực lượng chống hải tặc quốc tế tại Vịnh Aden, khu vực phía Tây Ấn Ðộ Dương vốn nằm cách lãnh hải Trung Quốc hàng ngàn dặm. Mỹ và các đối tác khi đó hoan nghênh Trung Quốc như là cường quốc mới có trách nhiệm. Nhưng khi Tổng thống Barack Obama và “phó tướng” Joe Biden lên nắm quyền 3 tháng sau đó, một nhóm tàu hải quân Trung Quốc bất ngờ quấy nhiễu tàu giám sát USNS Impeccable của Mỹ trên Biển Ðông. Rồi hải quân Trung Quốc tiếp tục mở rộng sự hiện diện trên Ấn Ðộ Dương và thiết lập căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên tại Djibouti năm 2017. Những năm qua, Trung Quốc cũng gia tăng các hoạt động xây đảo nhân tạo và tự tuyên bố chủ quyền tại các thực thể chiếm đóng phi pháp ở Biển Ðông; đe dọa sử dụng vũ lực chống tham vọng độc lập của Ðài Loan; gia tăng tranh chấp biên giới với Ấn Ðộ…

Vì thế, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có nhiều bước đi kiên quyết nhằm kiềm chế Trung Quốc. Ngoài việc gia tăng hoạt động tự do hàng hải và hàng không cũng như thách thức chủ quyền của Trung Quốc tại các thực thể chiếm đóng phi pháp, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố không thừa nhận gần như mọi yêu sách của Trung Quốc tại Biển Ðông. Về vấn đề Ðài Loan, Washington đã quyết định bán cho Ðài Bắc một lượng vũ khí hiện đại trị giá 1,8 tỉ USD. Ðây là thỏa thuận vũ khí mới đầu tiên giữa Mỹ và Ðài Loan trong hơn 40 năm qua. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây còn tuyên bố “Ðài Loan không phải là một phần của Trung Quốc”. Với Ấn Ðộ, chính quyền Trump đã ký 3 thỏa thuận quốc phòng chỉ trong vòng 3 năm.

Thật ra, để “siết” Trung Quốc, chính quyền Trump hồi năm ngoái đã thiết lập riêng một vị trí cấp cao tại Bộ Quốc phòng chỉ để nhằm tập trung vào Trung Quốc. Người nắm vị trí đó là Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Chad Sbragia, một nhà quân sự chuyên về Trung Quốc. Washington cũng nỗ lực khôi phục nhóm “Bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc như là liên minh quân sự không chính thức nhằm kiềm chế tham vọng khu vực của Bắc Kinh. Ngoài ra, chính quyền Trump đã tìm mọi cách thúc ép Trung Quốc tham gia đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân cùng với Nga và Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực kiềm chế của Mỹ, báo cáo của Lầu Năm Góc hồi tháng 9-2020 cho rằng hải quân Trung Quốc đã vượt qua cột mốc lịch sử khi trở thành lực lượng lớn nhất thế giới. Với khoảng 350 tàu chiến các loại, hải quân Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và vươn tầm khắp thế giới.

Paul Heer, chuyên gia phân tích tình báo từng trải qua hàng thập niên phục vụ cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cảnh báo chính quyền tương lai của Mỹ cần hết sức cẩn trọng và cảnh giác với tham vọng cạnh tranh “tàn nhẫn và không khoan nhượng” của Trung Quốc. Trong một bài viết hồi tháng 10, ông Biden tuyên bố Mỹ là cường quốc Thái Bình Dương và sẵn sàng đối đầu với các đối thủ. Tuy nhiên, làm thế nào để ông Biden và bộ sậu an ninh của Mỹ kiềm chế một Trung Quốc trỗi dậy và quyết đoán lại là bài toán hóc búa.

 Ông Biden hôm 29-11 đã lựa chọn đội ngũ truyền thông của mình gồm toàn nữ giới, trong đó cựu nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Obama Jen Psaki làm Thư ký báo chí và nữ phát ngôn viên đội ngũ tranh cử Kate Bedingfield làm Giám đốc truyền thông Nhà Trắng. Bà Symone Sanders - cố vấn cấp cao của bà Kamala Harris - được lựa chọn làm phát ngôn viên hàng đầu của Phó Tổng thống Mỹ tương lai. Giám đốc truyền thông của bà Harris sẽ là bà Ashley Etienne và Giám đốc truyền thông của Đệ nhất phu nhân tương lai Jill Biden sẽ là bà Elizabeth Alexander. 

ĐỨC TRUNG (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết