|
Ông Aso (trái) nhiều khả năng sẽ thay thế Thủ tướng Fukuda. Ảnh: AFP |
Ngày 2-9, ông Taro Aso, Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật, cho biết sẽ ra tranh chức chủ tịch đảng, thay thế Thủ tướng Yasuo Fukuda vừa đột ngột tuyên bố từ chức tối 1-9 sau chưa đầy một năm cầm quyền. Dự kiến LDP sẽ tiến hành bỏ phiếu chọn lãnh đạo mới vào ngày 22-9. Do LDP chiếm đa số tại Hạ viện nên chủ tịch đảng này mặc nhiên sẽ trở thành thủ tướng xứ hoa anh đào.
Có nhiều chính khách nuôi tham vọng ngồi vào chiếc “ghế nóng” mà ông Fukuda vừa từ bỏ. Chẳng hạn như Bộ trưởng Kinh tế Kaoru Yosano; Bộ trưởng Các vấn đề người tiêu dùng Seiko Noda; Yuriko Koike, người trong một thời gian ngắn từng là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Nhật; Chánh văn phòng nội các Nobutaka Machimura; Bộ trưởng Lãnh thổ và Giao thông Sadakazu Tanigaki... Tuy nhiên, ông Aso nổi bật và giành được sự ủng hộ nhiều hơn cả. Những cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy ông Aso bỏ xa các đối thủ. Cựu Thủ tướng Yoshiro Mori cho biết: “Nhiều người trong LDP muốn Aso kế nhiệm Fukuda. Và tôi cũng cảm thấy như vậy”. Việc ông Aso được Thủ tướng Fukuda bổ nhiệm vào vị trí quyền lực thứ hai của LDP hồi đầu tháng 8 rồi có thể cũng nhằm chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực trong tương lai.
Theo các nhà phân tích, nếu trở thành thủ tướng, ông Aso sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao cứng rắn với các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên. Cần nhắc lại là vị cựu ngoại trưởng 67 tuổi này trước đây từng làm Bắc Kinh nổi giận khi ám chỉ Đài Loan là một quốc gia độc lập, và chỉ trích việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự; ông cũng bị Seoul và Bình Nhưỡng phản đối vì “ca ngợi” việc Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1919-1945. Năm 2006, ông Aso còn gây sóng gió khi đề nghị Nhật hoàng viếng đền Yasukuni, nơi thờ cúng hơn 2 triệu binh sĩ Nhật chết trận, trong đó có một số tội phạm chiến tranh. Quan hệ giữa Tokyo với các nước láng giềng châu Á luôn xấu đi mỗi khi lãnh đạo Nhật thăm ngôi đền này, bởi họ xem đây là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật trong quá khứ. Tuy nhiên, ông Aso mới đây cho biết nếu trở thành thủ tướng sẽ không đến đền Yasukuni.
Sinh trưởng trong một gia đình chính trị “nòi” (là cháu ngoại của Thủ tướng Shigeru Yoshida và con rể của Thủ tướng Zenko Suzuki), ông Aso từng du học tại Đại học Stanford (Mỹ) và Trường Kinh doanh Luân Đôn (Anh). Ông tham gia nghị viện từ năm 1979 và trong các năm 2001, 2006 và 2007, từng ra tranh cử chức chủ tịch LDP nhưng đều thất bại trước các ông Junichiro Koizumi, Shinzo Abe và Fukuda. Một điều ít ai biết là ông từng đại diện Nhật tham gia Olympic Montreal (Canada) năm 1976 với môn bắn súng.
|
Về kinh tế, ông Aso được cho là sẽ mạnh tay chi tiêu để kích thích tăng trưởng kinh tế bất chấp ngân sách đang thâm hụt trầm trọng. Hồi tháng rồi, ông từng đề nghị chính phủ xem xét hủy bỏ mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2011 do lo ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Quý hai vừa qua, kinh tế Nhật tăng trưởng âm 2,4% khiến chính phủ phải đưa ra gói kích thích khẩn cấp trị giá gần 110 tỉ USD.
Nếu đắc cử, cách điều hành đất nước của ông Aso có thể sẽ khác so với người tiền nhiệm, nhưng những khó khăn thì vẫn như cũ. Đó là phe đối lập tiếp tục nắm Thượng viện và sẵn sàng ngăn cản bất kỳ chính sách mới nào của chính phủ, đồng thời nhân cơ hội LDP thay đổi lãnh đạo để gia tăng áp lực đòi tổ chức tổng tuyển cử sớm.
LÊ DÂN (Theo AFP, BBC, Bloomberg)