07/09/2020 - 10:00

Ổn định đời sống với nghề trồng hoa kiểng 

Nghề trồng hoa kiểng đã giúp gia đình ông Hồ Văn Nhã, 59 tuổi, ở phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) vươn lên ổn định đời sống. Hiện nay, ông Nhã là Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng hoa kiểng ở khu vực Thới Bình, phường Thới Thuận. Với vai trò “thuyền trưởng”, ông đã và đang dẫn dắt nhiều tổ viên cùng nhau lập nghiệp, có thu nhập ổn định.

Ông Nhã bên vườn hoa kiểng của mình. 

Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, đông anh em, ông Nhã phải nghỉ học sớm. Sau ngày lập gia đình, được cha mẹ cho 3 công đất, lúc đầu, vợ chồng ông làm ruộng, thu nhập bấp bênh. Sau đó, ông bắt tay vào làm rẫy, trồng rau màu, nhưng cuộc sống vẫn không khấm khá hơn. Ông Nhã bộc bạch: “Gia đình tôi đến với nghề trồng hoa kiểng thật tình cờ. Vài năm trở về trước, chúng tôi trồng hoa vạn thọ, rồi hoa cúc vàng bán vào những dịp rằm hằng tháng. Dần dà, chúng tôi trồng thêm nhiều loại bông khác theo nhu cầu, thị hiếu của khách hàng”.

Thời gian đầu theo nghề trồng hoa, gia đình ông Nhã gặp vô vàn khó khăn, từ kỹ thuật chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, những khó khăn đó dần được  tháo gỡ. Ông Nhã kể: “Gia đình tôi vay nợ ngân hàng để trồng hoa kiểng. Tôi là người đầu tiên trong khu vực thực hiện mô hình này. Thời điểm đó, nhiều người cũng bàn tán, cho rằng tôi sẽ khó thành công”.

Với sự chuẩn bị chu đáo cộng với nỗ lực học tập, vận dụng kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc vào mô hình, các sản phẩm hoa kiểng do ông Nhã trồng thu hút khách hàng, được nhiều người yêu thích. Tiếng lành đồn xa, khách tìm đến tận vườn để mua. Từ đó, việc làm ăn của ông ngày càng “nở nồi”. “Hoa kiểng nơi đây được trồng quanh năm. Riêng vụ hoa xuân là vụ hoa được trồng với diện tích lớn hơn, nhiều loài hoa hơn và cũng là vụ hoa mà người trồng hoa tất bật nhất. Từ kinh nghiệm tích lũy được, cộng với sự năng động, chịu khó, tôi tìm đến những vùng trồng hoa nổi tiếng lâu đời ở Sa Ðéc (Ðồng Tháp) để học hỏi thêm” - anh Hồ Công Hoàng, con trai ông Nhã cho biết.

Từ thành công bước đầu, ông Nhã vận động thêm bà con lối xóm cùng nhau trồng các loại hoa, cung cấp cho thị trường. Năm 2018, Tổ hợp tác trồng hoa kiểng ở khu vực Thới Bình được thành lập, gồm 12 tổ viên. Với kinh nghiệm của người đi trước, ông Nhã được bà con bầu chọn là Tổ trưởng Tổ hợp tác. Giờ đây, nhiều nông hộ ở khu vực Thới Bình đã mạnh dạn chuyển sang chuyên trồng các loại hoa, đem lại lợi nhuận cao. Nhờ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Ông Hồ Văn Sĩ, tổ viên Tổ hợp tác trồng hoa kiểng khu vực Thới Bình, cho biết: “Thu nhập từ việc trồng hoa cao hơn trồng lúa hoặc trồng rau màu. Nhờ vậy, gia đình tôi có điều kiện sắm sửa vật dụng sinh hoạt trong nhà, cũng như lo cho con cái ăn học”.

Tổ hợp tác trồng nhiều loại hoa, nhưng vào vụ Tết, các loại hoa được trồng nhiều nhất là cúc Ðài Loan, cúc Tiger, hồng cẩm, cát tường, hoàng yến… Theo chia sẻ của ông Hoàng, trồng hoa bán dịp Tết rất khó, bởi không chỉ phải trồng đúng kỹ thuật để hoa trổ đúng thời điểm, mà còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết mưa, nắng. Khâu chăm sóc cũng rất công phu, cùng trên một giàn, nhưng khi tưới nước, bón phân, mỗi loại hoa lại đòi hỏi có liều lượng khác nhau nên không thể dùng hệ thống tưới nước tự động như trồng rau màu.

Ông Huỳnh Văn Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới Thuận, đánh giá: “Gia đình ông Hồ Văn Nhã là một trong những hộ nông dân tiêu biểu ở địa phương về ý chí vươn lên làm giàu bằng nghề hoa kiểng. Ngoài sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội: bắc cầu, làm đường, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Ðặc biệt, gia đình ông Nhã còn tạo điều kiện, hỗ trợ phương tiện và kỹ thuật cho các hộ muốn phát triển kinh tế gia đình với nghề trồng hoa kiểng”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết